Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Kết quả thực hiện dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021

Nội dung Thực hiện nhiệm vụ Tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm được công khai tại địa chỉ https://sotaichinh.sonla.gov.vn/1290/31046/65531/cong-khai-so-lieu-thuc-hien-du-toan-ngan-sach

Kết quả thực hiện dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 

Thực hiện nhiệm vụ Tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng thời tiết diễn biến thất thường và ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, tập trung quyết liệt của các cấp, các ngành trong lãnh đạo điều hành, do đó công tác tài chính - ngân sách đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của tỉnh.

Căn cứ kết quả điều hành dự toán thu, chi ngân sách cấp tỉnh và báo cáo của các huyện, thành phố, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách tỉnh Sơn La 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

1. Tình hình phân bổ dự, giao dự toán năm 2021

Dự toán NSNN năm 2021 được HĐND tỉnh quyết định với tổng thu 13.602.523 triệu đồng; tổng số chi 13.576.439 triệu đồng; bội chi NSNN 241.100 triệu đồng. UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao dự toán cho các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN; UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021; quy định về quản lý, điều hành ngân sách địa phương năm 2021; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Sở Tài chính đã hoàn thành việc hướng dẫn công tác tổ chức thực hiện dự toán năm 2021 cho các Sở, Ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đảm bảo thời gian theo quy định.

Căn cứ nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2021 được HĐND, UBND tỉnh giao  các Sở, Ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN; HĐND các huyện, thành phố đã họp quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 theo quy định.

2. Số liệu giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2021

- Dự toán thu ngân sách năm 2021, HĐND tỉnh giao 13.642.523 triệu đồng, trong đó thu ngân sách trên địa bàn 4.100.000 triệu đồng tăng 16% so với dự toán Bộ Tài chính giao; trong đó:

+ Thu điều tiết ngân sách Trung ương: 267.184 triệu đồng.

+ Thu điều tiết ngân sách tỉnh: 3.832.816 triệu đồng (Thu thuế phí, thu khác: 3.332.816 triệu đồng; Thu tiền sử dụng đất: 500.000 triệu đồng).

- Dự toán chi ngân sách năm 2021, HĐND tỉnh giao 13.576.439 triệu đồng, tăng 4% so với dự toán Bộ Tài chính giao; trong đó:

+ Chi ngân sách cấp tỉnh: 6.981.999 triệu đồng (Chi ngân sách địa phương 5.221.337 triệu đồng; chi thực hiện nhiệm vụ, CTMT 1.756.614 triệu đồng).

+ Chi ngân sách cấp huyện: 6.594.440 triệu đồng (Chi ngân sách địa phương 6.594.440 triệu đồng).

3. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2021.

3.1. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm.

 Tổng thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8.418.044 triệu đồng bằng 61,70% dự toán HĐND, UBND tỉnh giao, bằng 103,27% so với cùng kì năm ngoái

 Thu ngân sách trên địa bàn đạt  3.364.677 triệu đồng bằng 81% dự toán HĐND,UBND tỉnh giao, bằng 111% so cùng kỳ, trong đó:

- Thu nội địa đạt 1.694.556 triệu đồng, bằng 41,33% dự toán HĐND,UBND tỉnh giao, bằng 133,47% so với cùng kỳ[1] (thu thuế, phí và thu khác ước đạt 1.316.976 triệu đồng; Thu tiền sử dụng đất đạt 365.331 triệu đồng).

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 32.000 triệu đồng, bằng 80% dự toán HĐND,UBND tỉnh giao, bằng 88,75% so cùng kỳ.

- Thu chuyển nguồn ngân sách năm 2020 sang năm 2021 đạt 1.570.093 triệu đồng, bằng 91,88% so cùng kỳ.

- Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương: 5.041.118 triệu đồng, bằng 41,49% dự toán HĐND,UBND giao, bằng 136,19% so với cùng kỳ.

3.2. Nguyên nhân thu nội địa 6 tháng đầu năm không đạt dự toán

- Số thu từ hoạt động thủy điện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa, tuy nhiên khoản thu này mang tính thời vụ cao (giảm vào mùa khô, tăng vào mùa mưa), 6 tháng đầu năm 2021 là tiếp tục chịu ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài, sản lượng sản xuất điện các nhà máy không đạt công suất thiết kế[2]..

- Trong 6 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; một số ngành sản xuất, kinh doanh tiếp tục ngừng hoạt động, sản xuất dẫn đến không phát sinh số thuế phải nộp.

- Do ảnh hưởng của một số chính sách thuế ban hành sau thời điểm giao dự toán NSNN năm 2021 đã làm giảm thu ngân sách[3]. Các khoản thu thuế, phí 6 tháng đầu năm ước đạt 39% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 132% so cùng kỳ

- Một số dự án thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất của dự án đã có quyết định phê duyệt, nhưng chưa thực hiện đấu giá, dự kiến thực hiện vào 6 tháng cuối năm.

3.3. Công tác quản lý và thu nợ thuế

- UBND tỉnh chỉ đạo Cục thuế tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện đánh giá, phân tích tình trạng nợ thuế theo quy trình quản lý thu nợ thuế; áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ thuế, thực hiện khoanh nợ, xóa tiền phạt chậm nộp theo quy định; tuyên truyền, triển khai, đôn đốc và hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN và tiền thuê đất trong năm 2021.

- Tình hình nợ thuế đến 30/6/2021 (Số liệu báo cáo của Cục thuế tỉnh)

+ Số dư nợ thuế đến 31/12/2020 là 314.617 triệu đồng[4]

+ Số nợ thuế phát sinh 6 tháng đầu năm 2021 là 139.360 triệu đồng[5]

+ Số nợ thuế đã thu 6 tháng đầu năm 2021 là 113.064 triệu đồng[6]

+ Số dư nợ thuế đến 30/6/2021 là 340.913 triệu đồng[7]

- Số dư nợ thuế dự kiến đến thời điểm 30/6/2021 tăng so với thời điểm 31/12/2020 (chủ yếu tăng nợ tiền sử dụng đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu), nguyên nhân:      

+ Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện được các hợp đồng vay vốn với các ngân hàng, chậm nộp thuế vào ngân sách nhà nước, dẫn đến tăng tiền chậm nộp; mặt khác khoản nợ thuế không có khả năng thu, nhưng theo quy định của Luật quản lý thuế vẫn phải tính tiền chậm nộp, dẫn đến tăng nợ thuế.

+ Thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ ban hành về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN và tiền thuê đất trong năm 2021, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân.

+ Một số doanh nghiệp nợ thuế, nhưng Cơ quan thuế không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế do: Doanh nghiệp không sử dụng hóa đơn; tài chính khó khăn, không có tài sản, hoặc tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng...

3.4. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách     

- Căn cứ chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021 được HĐND tỉnh giao, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phấn đấu thu 4.500 tỷ đồng[8], trong đó: Thu tiền sử dụng đất 700 tỷ đồng; thu thuế, phí, lệ phí: 3.800 tỷ đồng. Đồng thời giao chỉ đạo Cục thuế tỉnh và UBND các huyện, thành phố giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách năm 2021[9].

- Quán triệt chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo Cục thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố, xây dựng kế hoạch thu nợ thuế, giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho các đơn vị, triển khai đồng bộ các giải pháp thu nợ thuế. Hàng tháng, thực hiện phân loại nợ, công khai thông tin người nộp thuế có nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh triển khai chỉ đạo điều hành các giải pháp thu ngân sách trên địa bàn, do đó số thu 6 tháng đầu năm về cơ bản sát với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo thu kịp thời các khoản thu phát sinh vào ngân sách nhà nước; những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 của doanh nghiệp, tổ chức,  được các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

- Cơ quan Thuế đã tập trung triển khai làm tốt công tác quản lý thu ngay từ đầu năm, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra việc kê khai, quyết toán thuế của doanh nghiệp, để thu đúng, đủ, kịp thời số phát sinh vào NSNN. Bên cạnh đó, đã khẩn trương tổ chức triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN và tiền thuê đất trong năm 2021; Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội nhằm ứng phó với dịch Covid-19; đồng thời tiếp tục thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, lập, gửi giấy đề nghị gia hạn theo phương thức điện tử; xử lý việc gia hạn cho người nộp thuế đúng chế độ quy định, đảm bảo kịp thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN. 

4. Kết quả chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2021

4.1. Chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2021:

Chi ngân sách đạt 6.360.808 triệu đồng, bằng 46,85% dự toán giao, bằng 112,39% so cùng kỳ (Chi cân đối ngân sách địa phương 5.767.219 triệu đồng; Chi hoàn trả ngân sách cấp trên 4.048 triệu đồng), trong đó:

- Chi đầu tư phát triển đạt 905.657 triệu đồng, bằng 51,23% dự toán giao, bằng 95,33% so với cùng kỳ.

- Chi thường xuyên đạt: 4.859.980 triệu đồng bằng 48,41% dự toán giao, bằng 103,31% so với cùng kỳ, cụ thể:

+ Chi sự nghiệp kinh tế môi trường: 428.251 triệu đồng, bằng 50,57% dự toán giao, bằng 99,43% so với cùng kỳ.

+ Chi sự nghiệp giáo dục đào tạo: 2.252.652 triệu đồng, bằng 48,16% dự toán giao, bằng 107,32% so với cùng kỳ.

+ Chi sự nghiệp y tế, phòng chống dịch: 645.123 triệu đồng, bằng 55,08% dự toán giao, bằng 94,20% so với cùng kỳ.

+ Chi sự nghiệp Văn hóa, thể thao, PTTH: 85.751 triệu đồng, bằng 44,76% dự toán giao, bằng 118,89% so với cùng kỳ.

+ Chi đảm bảo xã hội: 212.062 triệu đồng bằng 50,15% dự toán giao, bằng 78,90% so với cùng kỳ.

+ Chi quản lý hành chính, đảng, đoàn thể: 925.674 triệu đồng, bằng 49,04% dự toán giao, bằng 107,30% so với cùng kỳ.

+ Chi an ninh, quốc phòng, đối ngoại 157.256 triệu đồng, bằng 50,08% dự toán giao, bằng 97,83% so với cùng kỳ.

 

Chi từ chuyển nguồn ngân sách năm 2020 chuyển sang năm 2021 ước đạt 1.171.657 triệu đồng, bằng 75% kinh phí chuyển nguồn[10]. Nguồn kinh phí chưa phân bổ 398.437 triệu đồng: Nguồn dự phòng NSTW năm 2019 thự hiện dự án cao tốc Hòa Bình - Sơn La; Một số khoản chi theo chế độ chính sách do Trung ương ban hành, kinh phí CTMT, kinh phí mục tiêu hết nhiệm vụ chi, thời hạn thanh toán phải hoàn trả NSTW theo Kết luận kiểm toán...

4.2 Đánh giá một số khoản chi cơ bản

a. Chi xây dựng cơ bản và chương trình mục tiêu

- Kết quả giải ngân, thanh toán vốn đầu tư: Tổng các nguồn vốn đầu tư thực hiện trong năm 2021 được giao 4.203.771 triệu đồng (trong đó: kế hoạch vốn chuyển nguồn năm 2020 sang 2021 là 637.797 triệu đồng; kế hoạch vốn năm 2021 là 3.565.974 triệu đồng). Đến ngày 30/6/2021, giải ngân thanh toán ước đạt 1.187.161 triệu đồng, bằng 28,2% kế hoạch vốn giao, bằng 43,5% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết. Một số nguồn vốn đầu tư, có tiến độ giải ngân ước đạt kết quả khá, như: Nguồn thu tiền sử dụng đất ước đạt 63%; Nguồn vốn thực hiện Đề án Ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân Sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2017 ước đạt 64%; Nguồn vốn Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La giai đoạn II (Đề án 666) ước đạt 53%; Nguồn bổ sung cân đối ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ cho các huyện thực hiện nhiệm vụ ước đạt 78%...

- Tình hình quyết toán công trình hoàn thành: Đến 30/6/2021, toàn tỉnh đã phê duyệt 347 dự án (trong đó cấp tỉnh 51 dự án công trình, cấp huyện là 296 dự án, công trình). Giá trị chủ đầu tư đề nghị thẩm tra quyết toán 1.321.216 triệu đồng; Giá trị quyết toán 1.320.558 triệu đồng. Qua công tác thẩm tra quyết toán đã cắt giảm 658 triệu đồng. Các dự án, công trình hoàn thành đã gửi hồ sơ quyết toán tại cơ quan Tài chính các cấp, đang thẩm tra quyết toán vốn đầu tư: Tổng số 121 dự án, công trình (Cấp tỉnh 22 dự án, công trình; Cấp huyện 99 dự án, công trình). Tổng giá trị đề nghị quyết toán 215.224 triệu đồng.

b. Chi sự nghiệp kinh tế, môi trường ước đạt 428.251 triệu đồng, bằng 50% dự toán giao, đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, giao thông, nông nghiệp; kinh phí thực hiện nhiệm vụ công ích, vận hành và xử lý nước thải; kinh phí quản lý, sử dụng đất trồng lúa; kinh phí duy tu, bảo trì đường bộ; kinh phí thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp…

c. Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo ước đạt 2.252.652 triệu đồng, bằng 48% dự toán: Đảm bảo kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp của giáo viên; các khoản chi thiết yếu phục vụ công tác giảng dạy, học tập; kinh phí thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Kinh phí hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ và giáo viên và chính sách đối với giáo viên mầm non; kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật; kinh phí hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng…

d. Chi sự nghiệp y tế - phòng chống dịch ước đạt 645.123 triệu đồng, bằng 55% dự toán giao. Đảm bảo kinh phí mua vắc xin, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phòng, chống Covid-19. Thực hiện các nhiệm vụ về y tế dự phòng; kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội thuộc gia đình hộ cận nghèo, người cao tuổi theo quy định của Luật bảo hiểm y tế;; kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế...

đ. Chi sự nghiệp Văn hoá - Thể thao và phát thanh truyền hình ước đạt 85.751 triệu đồng, bằng 45% dự toán giao. Đảm bảo kinh phí hoạt động của sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch; kinh phí thực hiện chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao; kinh phí tổ chức công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

e. Chi đảm bảo xã hội và an sinh xã hội ước đạt 212.062 triệu đồng, bằng 50% dự toán giao. Đáp ứng nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách đảm bảo xã hội, chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP và Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ; kinh phí hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo hộ cận nghèo theo Quyết định số 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kinh phí thực hiện chính sách phòng, chống ma tuý theo Nghị quyết 89/2018/NQ- HĐND  ngày 8/12/2018 của HĐND tỉnh; kinh phí hỗ trợ các lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý…

f. Chi ngân sách Đảng, đoàn thể và quản lý hành chính ước đạt 925.674 triệu đồng, bằng 49% dự toán giao. Đáp ứng kịp thời các khoản chi trong dự toán, và nhiệm vụ phát sinh, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ của các Cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, quản lý nhà nước, xã, phường, thị trấn; đảm bảo điều kiện hoạt động của HĐND các cấp; kinh phí tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kinh phí thực hiện chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách phường, thị trấn; kinh phí tuyên truyền giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở; kinh phí thực hiện chế độ thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do UBMTTQ cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện; kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026[11]

g. Chi an ninh - quốc phòng và đối ngoại đạt 157.256 triệu đồng, bằng 50% dự toán giao. Đảm bảo kinh phí quan hệ đối ngoại hợp tác hữu nghị với các tỉnh Bắc Lào; kinh phí mua trang phục cho lực lượng dân quân tự vệ; kinh phí mua trang phục cho lực lượng công an xã theo Pháp lệnh Công an xã; kinh phí chi trả các khoản phụ cấp đối với đối với dân quân tự vệ, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Công an xã theo Nghị định số 73/NĐ-CP của Chính phủ, kinh phí phụ cấp Công an viên, Bản đội trưởng…kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh của Tỉnh.         

5. Tình hình phân bổ, giải ngân kinh phí thực hiện các Nghị quyết về chính sách của HĐND tỉnh

- Tổng số kinh phí đã giao trong dự toán năm 2021 của các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố để thực hiện 45 nghị quyết của HĐND tỉnh là 735.201 triệu đồng.

- Kinh phí đã giải ngân, thanh toán ước thực hiện đến 30/6/2020 đạt 351.165 triệu đồng, bằng 48% dự toán được giao.

- Tiến độ giải ngân, thanh toán về cơ bản đảm bảo dự toán giao; một số nghị quyết tỷ lệ giải ngân đạt cao như: kinh phí hỗ trợ lực lượng dân quân trên địa bàn tỉnh; kinh phí mua thẻ bảo hiểm học sinh, sinh viên, bảo hiểm y tế đối tượng chính sách; kinh phí phòng, chống và kiểm soát ma túy, kinh phi quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo….Một số nghị quyết có tỷ lệ giải ngân đạt thấp như: Kinh phí rà soát văn bản quy pháp luật, kinh phí hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (ngoài phần NSTW), Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kinh phí thực hiện cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, kinh phí hỗ trợ lưu học sinh nước bạn Lào, kinh phí hỗ trợ đối với huấn luyện viên, vận động viên, thể thao tỉnh Sơn La… qua công tác điều hành hàng năm, các khoản chi này chủ yếu phát sinh vào 6 tháng cuối năm.

6. Tình hình sử dụng dự phòng ngân sách cấp tỉnh

- Dự phòng ngân sách địa phương năm 2021 được HĐND tỉnh giao 231.683 triệu đồng, trong đó: ngân sách cấp tỉnh 102.379 triệu đồng; ngân sách huyện, thành phố 129.304 triệu đồng. Thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 119.610 triệu đồng[12] trong đó: ngân sách cấp tỉnh 77.890 triệu đồng; ngân sách huyện, thành phố 41.720 triệu đồng. Việc sử dụng và tạm ứng nguồn dự phòng ngân sách thực hiện quy định của Luật NSNN và cơ chế quản lý, điều hành ngân sách địa phương năm 2021.

- Dự phòng ngân sách chưa sử dụng 112.073 triệu đồng, trong đó: ngân sách cấp tỉnh 24.489 triệu đồng; ngân sách huyện, thành phố 87.584 triệu đồng.

7. Tình hình thực hiện các khoản vay nợ chính quyền địa phương

- Số dư các khoản vay nợ đến 31/12/2020 là 38.205 triệu đồng (Vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ).

- Số đã vay trong 6 tháng đầu năm: 5.556 triệu đồng

- Số đã thực hiện trả nợ theo cam kết: 610 triệu đồng

- Kế hoạch vay trong kỳ: 35.494 triệu đồng

- Dự kiến dự nợ đến 31/12/2021 là 77.926 triệu đồng (nợ vay lại lại vốn nước ngoài của Chính phủ[13]).

8. Tình hình thực hiện phân bổ các khoản bổ sung từ NSTW

- Tổng kinh phí NSTW bổ sung ngoài dự toán cho ngân sách tỉnh 6 tháng đầu năm 2021, số tiền 114.978 triệu đồng, để thực hiện các nhiệm vụ: bầu cử Đại biểu quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiêu hủy, phòng, chống dịch tả lợn Châu phi năm 2020; bổ sung kinh phí cải cách tiền lương năm 2020; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. 

- UBND tỉnh, trình Thường trực HĐND tỉnh phân bổ cho các đối tượng thụ hưởng, các huyện, thành phố 107.841 triệu đồng. Quy trình giao dự toán, thực hiện theo quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn thi hành và cơ chế quản lý, điều hành ngân sách của tỉnh, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách và các đơn vị dự toán.

- Nguồn kinh phí chưa phân bổ 7.137 triệu đồng[14], UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố lập hồ sơ, xây dựng phương án phân bổ, dự kiến trình Thường trực HĐND tỉnh phê duyệt.

8. Công tác điều hành ngân sách

- Chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.

- Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu ngân sách trên địa bàn, rà soát, đánh giá tác động đến nhiệm vụ thu NSNN do dịch bệnh Covid-19, xác định các nguồn thu, các lĩnh vực, hoạt động còn thất thu; chỉ đạo các Sở, Ngành, các huyện, thành phố trong công tác điều hành thu ngân sách trên địa bàn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức, thành phần kinh tế trong sản xuất, kinh doanh.

- Xác định nhiệm vụ thu ngân sách và thu nợ thuế, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn năm 2021, đồng thời chỉ đạo Cục thuế tỉnh, các huyện, thành phố, giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ thuế và phối hợp với các cấp, các ngành, các huyện, thành phố, triển khai thực hiện tốt Luật quản lý thuế và các Luật thuế mới; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quy trình hành thu đề cao trách nhiệm của các đối tượng nộp thuế.

- Công tác điều hành chi NSNN tại các cấp ngân sách, thực hiện theo quy định của Luật NSNN, quy định về quản lý, điều hành ngân sách theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, đảm bảo triệt để tiết kiệm, đúng chế độ, chính sách và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không đề xuất ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo.

- Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã chủ động thực hiện rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên những tháng còn lại năm 2021, đồng thời cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại, dừng, giãn thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động văn hóa, thể thao không cần thiết tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19...; tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

- Chỉ đạo các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện công tác tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của BCH trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả đơn vị sự nghiệp.

- Chỉ đạo cơ quan tài chính các cấp chủ động tham mưu trình cấp có thẩm quyền cân đối nguồn kinh phí để chi trả các khoản chi thiết yếu như: Lương, phụ cấp lương; Trợ cấp cán bộ xã, phường, thị trấn, bản, tiểu khu và tổ dân phố...; kinh phí chi đảm bảo xã hội; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp y tế.... và kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; phối hợp với Kho bạc Nhà nước tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, đúng chế độ; qua đó, kỷ luật tài chính được tăng cường.

- UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí thực hiện chương trình, nhiệm vụ mục tiêu năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 và nguồn vốn được giao trong năm 2021; thực hiện rà soát khả năng giải ngân các nguồn vốn được giao đến 30/6/2021, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp, hạn chế tối đa việc dồn chi vào những tháng cuối năm và chuyển nguồn ngân sách, khắc phục tình trạng hoàn trả nguồn ngân sách trung ương.

- Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực quản lý đầu tư XDCB. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt cơ chế "thanh toán trước - kiểm soát sau" trong thanh toán, giải ngân vốn đầu tư XDCB và các chương trình mục tiêu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc phân bổ vốn, quản lý đầu tư và quyết toán đầu tư.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí đối với 100% cơ quan quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016; Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2017 của Chính phủ, gắn với lộ trình thực hiện tính giá sự nghiệp công, từng bước chuyển từ phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế đặt hàng.

- Chỉ đạo các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện: công khai dự toán ngân sách năm 2021, quyết toán ngân sách năm 2020 theo quy Luật NSNN; Tổ chức xét duyệt, thẩm định và lập tổng quyết toán NSĐP năm 2020 theo Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 của Bộ Tài chính; Chỉ đạo thực hiện nghiêm các Kiến nghị, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán có thẩm quyền; thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh với các nội dung cơ bản: Cải cách thể chế, cải cách bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách tài chính công. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với đổi mới quy trình giải quyết công việc; thực hiện tốt khẩu hiệu "Chung tay thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính".

II. HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Hạn chế

- Nợ thuế phát sinh lớn, các khoản thu theo kiến nghị của kiểm toán nhà nước, thanh kiểm tra đặc biệt là nợ thuế của các doanh nghiệp giải thể, phá sản và hộ bỏ địa chỉ kinh doanh chưa được xử lý dứt điểm, đến 30/6/2021, tổng dư nợ thuế là 340.913 triệu đồng;

- Tình hình thực hiện và giải ngân thanh toán các nguồn vốn đầu tư công năm 2021 đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn một số chương trình, dự án, nguồn vốn có tiến độ thực hiện chậm, giải ngân đạt thấp.

- Công tác xử lý tài sản tại các cơ quan, đơn vị thực hiện kiện toàn, sắp xếp theo Nghị quyết 18,19-NQ/TW còn chậm tiến độ, báo cáo kê khai, hạch toán tài sản chưa được thực hiện kịp thời. Công tác bàn giao tài sản sau đầu tư tiến độ thực hiện chậm, còn lúng túng trong việc lựa chọn đơn vị quản lý sử dụng, việc bàn giao, quan lý tài sản, cập nhật hồ sơ của một số chủ đầu tư bàn giao chưa kịp thời.

- Việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo của các cấp, các ngành mặc dù đã có tiến bộ, song thông tin chưa đầy đủ, chưa kịp thời, công tác dự báo chưa sát với thực tế, và khả năng thực hiện, làm ảnh hưởng đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

2. Nguyên nhân

- Trong 6 tháng đầu năm, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; một số ngành sản xuất, kinh doanh tiếp tục ngừng hoạt động, sản xuất dẫn đến không phát sinh số thuế phải nộp.

 - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện các chính sách của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội nhằm ứng phó với dịch Covid-19, ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn.

- Nhu cầu sử dụng đất 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên một số dự án thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất của dự án đã có quyết định phê duyệt, nhưng chưa thực hiện đấu giá, ảnh hưởng số đến số thu tiền sử dụng đất.

          - Công tác hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra việc phân bổ vốn, quản lý đầu tư, quyết toán đầu tư và công tác giám sát cộng đồng trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản còn có mặt hạn chế.

- Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách chưa đồng bộ; số lượng, chất lượng chưa đồng bộ giữa nhiệm vụ được phân cấp và đội ngũ cán bộ thực hiện.

Đánh giá chung, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi, khó khăn, thách thức..., dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhiệm vụ tài chính - ngân sách cơ bản hoàn thành kế hoạch, công tác quản lý thu ngân sách được các cấp các ngành quan tâm, cải cách hành chính thuế được đẩy mạnh; các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt, kịp thời; kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách được tăng cường, xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội của địa phương

III. Nhiệm vụ, giải pháp công tác tài chính- ngân sách 6 tháng cuối năm 2021

1. Nhiệm vụ công tác tài chính- ngân sách:

Tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.

 Thực hiện tốt “mục tiêu kép”: vừa nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, trong đó thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 4.100 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất đạt trên 700 tỷ đồng; đảm bảo kinh phí thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, kinh phí phòng, chống đại dịch dịch Covid-19, kinh phí tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư,...

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Thu ngân sách 6 tháng cuối năm phấn đấu đạt 7.069.298 triệu đồng và cả năm ước đạt: 15.475.093 triệu đồng; Trong đó:

- Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2.417.693 triệu đồng; phấn đấu thu ngân sách năm 2021 đạt 4.100.000 triệu đồng, bằng 116% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 100% dự toán HĐND tỉnh; tập trung khai thác các nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu thuế từ Nhà máy thuỷ điện Sơn La và các cơ sở công nghiệp mới đi vào sản xuất; Thuế công thương nghiệp - dịch vụ ngoài quốc doanh; Thuế bảo vệ môi trường và thu tiền sử dụng đất...

- Thu bổ sung cân đối ngân sách Trung ương 4.608.882 triệu đồng. Dự kiến cả năm ước đạt 9.650.000 triệu đồng.

2.2. Chi ngân sách địa phương 6 tháng cuối năm ước đạt 8.218.192 triệu đồng; ước thực hiện cả năm đạt 14.579.000 triệu đồng.

3. Giải pháp thực hiện

- Tập trung các nguồn lực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tăng cường chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Đảm bảo nguồn lực mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19 để tiêm chủng cho người dân theo chỉ đạo của Trung ương.

- Điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt các chính sách, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Tiếp tục rà soát, triển khai các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất-kinh doanh.

- Rà soát, đánh giá tác động đến nhiệm vụ thu NSNN do dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ban thường vụ Tỉnh ủy. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu ngân sách trên địa bàn, xác định các nguồn thu tiềm năng, các lĩnh vực, hoạt động còn thất thu; chỉ đạo các Sở, Ngành, các huyện, thành phố trong công tác điều hành thu ngân sách trên địa bàn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức, thành phần kinh tế trong sản xuất, kinh doanh.

- Chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thuế trong chỉ đạo công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường biện pháp thu ngân sách năm 2021, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, chống thất thu ngân sách, phòng chống gian lận thương mại. Quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

- Tổ chức điều hành chi NSNN những tháng còn lại năm 2021 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng tốt hơn, hạn chế tình trạng chuyển nguồn, nộp trả ngân sách cấp trên. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

          - Triển khai công tác quản lý tài sản nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện rà soát trình cấp có thẩm quyền phương án điều chuyển, sắp xếp lại trụ sở làm việc của một số cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, sai sót trong công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; nhất là công tác quản lý tài sản sau đầu tư.

- Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công: đẩy mạnh đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); gắn với thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN đã đề ra.

- Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; quản lý giá, thị trường chặt chẽ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 Trên đây là kết quả thực hiện dự toán ngân sách tỉnh Sơn La 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp tài chính-ngân sách 6 tháng cuối năm 2021; Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo./.



[1] Trong đó: Thu thuế, phí và thu khác đạt 1.316.976 triệu đồng, bằng 39% dự toán HĐND tỉnh, bằng 132% so cùng kỳ; Thu tiền sử dụng đất 365.331 triệu đồng, bằng 73% dự toán HĐND tỉnh, bằng 171% so cùng kỳ. Có 7/16 khoản thu, sắc thuế đạt trên 50% dự toán năm: Thuế thu nhập cá nhân 83%, Thu tiền thuê đất 87%, Lệ phí trước bạ 52%, Thu công ích hoa lợi 108%, Thu xổ số kiến thiết 52%, Thu cổ tức lợi nhuận 126%, Thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước 74%; Có 5/16 khoản thu, sắc thuế đạt dưới 40% dự toán như: Thu từ khu vực DN trung ương 37%; Thu từ khu vực DN có vốn ĐTNN 38%; Thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 35%; Thu khác ngân sách 40%; Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 28%,... Có 3/12 huyện, thành phố thu ngân sách 6 tháng ước đạt trên 50% dự toán năm: Thành phố Sơn La 110%; Quỳnh Nhai 82%; Mộc Châu 97%; Có 9/12 huyện ước đạt dưới 50% dự toán năm.

[2] Sản lượng của các nhà máy thủy điện 6 tháng đầu năm: Thủy điện Sơn La đạt 21%, Thủy điện Hòa Bình 43%, Thủy điện Huội Quảng 39%.

[3] Thực hiện Công văn số 1575/EVN-TCKT ngày 31/3/2021 của Tập đoàn điện lực Việt Nam về giá tính thuế GTGT đối với các công ty sản xuất thủy điện, nhiệt điện hạch toán phụ thuộc với mức giá tính thuế GTGT áp dụng từ kỳ khai thuế 2021 là 452,35 đ/kwh (giảm 143,65đ/kwh so với giá tính thuế giao dự toán), dự kiến giảm thu 100 tỷ đồng (Thủy điện Sơn La 87 tỷ đồng; thủy điện Huội Quảng 13 tỷ đồng). Thực hiện Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội nhằm ứng phó với dịch Covid-19: Tổng số phí, lệ phí dự kiến giảm năm 2021 là 10,5 tỷ đồng.

[4] Trong đó: Nợ thuế, phí 195.719 triệu đồng; Nợ tiền sử dụng đất cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu 47.602 triệu đồng ; Ghi nợ tiền sử dụng đất 71.296 triệu đồng

[5] Trong đó: Nợ thuế, phí 95.038 triệu đồng; Nợ tiền sử dụng đất cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu 44.322 triệu đồng.

[6] Trong đó: Thu nợ thuế, phí 96.006 triệu đồng; Thu nợ tiền sử dụng đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu 9.699 triệu đồng; Thu ghi nợ tiền sử dụng đất 7.359 triệu đồng.

[7] Trong đó: Nợ thuế, phí 194.751 triệu đồng; nợ tiền sử dụng đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu 82.225 triệu đồng; Ghi nợ tiền sử dụng đất 63.937 triệu đồng

[8] Quyết định số 2789/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn năm 2021.

[9] Điều 5, Ban hành kèm theo Quyết định số số 2787/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 của UBND tỉnh về quy định quản lý, điều hành ngân sách địa phương năm 2021

[10] Trong đó: Ngân sách cấp tỉnh 1.032.963 triệu đồng; ngân sách cấp huyện: 481.063 triệu đồng; ngân sách xã 56.067 triệu đồng.

[11] UBND tỉnh, UBBC tỉnh phê duyệt dự toán kinh phí phục vụ công tác bầu cử cho các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2021 số tiền 48.270 triệu đồng

[12] Trong đó: chi mua vắc xin, vật tư, sinh phẩm và hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch Covid-19 từ dự phòng ngân sách tỉnh là 74 tỷ đồng; ngân sách huyện, thành phố trên 15 tỷ đồng.

[13] Trong đó: dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập 18.270 triệu đồng; chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn theo phương thức dự trên kết quả 17.606 triệu đồng; dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai 6.557 triệu đồng; dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở 35.494 triệu đồng.

[14] Kinh phí bầu cử Đại biểu quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (NSTW cấp đợt 3); kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.  

image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang