CÁC LOẠI QUỸ NGOÀI NGÂN SÁCH
NĂM 2020
Báo cáo Quỹ Tài chính năm 2020
|
(xem tại đây
|
Phụ lục báo cáo Quỹ Tài chính năm 2020
|
(xem tại đây)
|
NĂM 2019
BÁO CÁO
Tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2019, và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2020, các quỹ tài chính nhà nướcngoài ngân sách do địa phương quản lý
Thực hiện Luật ngân sách nhà nước; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước; Nghị định số 31/2017/NQ-HĐND ngày 23/3/2017 ban hành quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm địa phương, kế hoạch tài chính-ngân sách 03 năm địa phương, dự toán và phân bổ dự toán ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 11 báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2019, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2020 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý (quỹ tài chính địa phương) như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NĂM 2019
1. Tình hình chung về các quỹ tài chính địa phương
- Theo quy định tại khoản 19, điều 4 Luật ngân sách nhà nước, khoản 5 điều 12 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
- Hiện nay, ở địa phương có 22 loại quỹ tài chính nhà nước với tổng số quỹ đang quản lý là 31 quỹ (do một số quỹ tại cấp tỉnh, cấp huyện trùng tên) ; trong đó cấp tỉnh quản lý 18 quỹ quy mô chiếm 92,2% ; cấp huyện quản lý 13 quỹ chiếm 7,8%. Việc thành lập và hoạt động của các quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan (Luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của UBND tỉnh) và đều có quy định chế độ quản lý tài chính, theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Quyết định của bộ, ngành chủ quản, Quyết định của UBND tỉnh...
- Mục đích, tính chất và phạm vi hoạt động của các Quỹ tài chính khá đa dạng, như: Quỹ giải quyết việc làm địa phương; Quỹ hỗ trợ nông dân; quỹ bảo vệ phát triển rừng; quỹ phát triển đất; quỹ khuyến học; Quỹ đền ơn, đáp nghĩa…Về cơ bản các quỹ sau khi thành lập, đều có quy định riêng về chế độ quản lý tài chính và hoạt động độc lập tương đối với NSNN. Theo chức năng nhiệm vụ, UBND tỉnh giao Sở Tài chính hướng dẫn, hỗ trợ các quỹ trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của các Bộ, Ngành Trung ương và các nghiệp vụ có liên quan đến công tác tài chính của quỹ.
- Xét về quy mô 22 Quỹ tài chính địa phương, có 06 quỹ tài chính có vốn và nguồn thu lớn ; các quỹ còn lại có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động không lớn. Có 8 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách , trong đó có 3/8 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là các quỹ có vốn bảo toàn để quay vòng, hoạt động hàng năm; 03 quỹ không bảo toàn vốn (Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, Quỹ Bảo trì đường bộ; Quỹ phòng chống tội phạm); riêng Quỹ Bảo trì đường bộ; Quỹ phòng chống tội phạm hoạt động không độc lập với NSNN theo Khoản 19 Điều 4 Luật ngân sách nhà nước, hoạt động thường xuyên của quỹ hàng năm phụ thuộc vào nguồn NSNN cấp để thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Năm 2019, có một số quỹ được UBND tỉnh cấp hỗ trợ vốn theo quy định của Pháp luật, như: Quỹ hỗ trợ hợp tác xã; Quỹ hỗ trợ nông dân; Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, Quỹ bảo trì đường bộ. Các quỹ còn lại hoạt động từ nguồn vốn tồn dư của năm trước chuyển sang và các nguồn thu khác của quỹ (nguồn thu khác từ phí cho vay, lãi tiền gửi. Hầu hết các quỹ tài chính ngoài ngân sách không huy động được hoặc rất ít các nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân khác).
2. Tình hình thực hiện kế hoạch tài chính của các của các quỹ tài chính ngoài ngân sách năm 2019
2.1. Kết quả đạt được
- Tổng số dư nguồn của 22 quỹ đầu năm là 555,14 tỷ đồng (bao gồm số tồn dư tại quỹ, số dư nợ vay chưa thu hồi), trong đó chủ yếu là số dư của một số quỹ lớn, như: Quỹ cứu trợ 16,44 tỷ đồng (chiếm 2,96%); Quỹ hỗ trợ nông dân 13 tỷ đồng (chiếm 2,34%); Quỹ bảo vệ môi trường 31,40 tỷ đồng (chiếm 5,66%); Quỹ phát triển đất 117,33 tỷ đồng (chiếm 21,13%), Quỹ bảo vệ phát triển rừng 262,86 tỷ đồng (chiếm 47,35%); Quỹ giải quyết việc làm 81,11 tỷ đồng (chiếm 14,6%); các quỹ còn lại chiếm tỷ trọng không đáng kể (khoảng 5,96%).
- Ước thực hiện năm 2019, tổng vốn phát sinh của các quỹ là 580,22 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 208,47 tỷ đồng. Dự kiến tổng chi các quỹ là 587,82 tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn ngân sách nhà nước cấp 209,08 tỷ đồng. Số dư nguồn các quỹ cuối năm là 553,68 tỷ đồng (bao gồm số tồn dư tại quỹ, số dư nợ vay chưa thu hồi lũy kế đến 31/12/2019).
- Theo báo cáo của các đơn vị về cơ bản các quỹ tài chính đã thực hiện thu, chi theo đúng quy định và kế hoạch tài chính năm 2019, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nâng cao hiệu quả của Quỹ.
2.2. Hạn chế, khó khăn
- Hầu hết các quỹ đều gặp khó khăn trong việc tự huy động nguồn vốn hoạt động, mức huy động vốn thực tế huy động được không lớn, dẫn đến hiệu quả hoạt động rất hạn chế (Quỹ cứu trợ, Quỹ an ninh quốc phòng, Quỹ chữ thập đỏ, Quỹ người cao tuổi…).
- Một số quỹ thành lập có tính chất hoạt động tương đối giống nhau về chức năng, mục tiêu, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ như: Quỹ hỗ trợ hội nông dân; quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; quỹ giải quyết việc làm địa phương… đều hướng tới địa bàn nông thôn, đối tượng phục vụ là nông dân, hợp tác xã, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập…
- Nguồn thu của một số quỹ thực hiện theo các chính sách của Nhà nước, hoạt động theo nhiệm vụ cụ thể (Quỹ bảo trì đường bộ có nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ; Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp; Quỹ phát triển đất…), do đó chưa mang tính đột phá và tính lan tỏa và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Một số vướng mắc về chính sách đối với Quỹ bảo vệ phát triển rừng nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời, do đó chưa phát huy có hiệu quả nguồn vốn của quỹ; một số quỹ chưa kiện toàn được tổ chức bộ máy giúp việc, chưa triển khai các hoạt động theo quy định, do đó nguồn kinh phí đã giao nhưng hoạt động chưa hiệu quả (Quỹ bảo vệ môi trường).
- Công tác sử dụng nguồn vốn của một số quỹ qua công tác thanh tra, kiểm tra còn sai sót, sử dụng chưa đúng mục đích, sai đối tượng (Quỹ bảo vệ phát triển rừng; …).
- Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của các quỹ trên địa bàn các huyện, xã chưa thường xuyên, tổ chức hoạt động mang tính thời vụ, theo phong trào khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của quỹ chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở cấp huyện, xã.
- Chế độ báo cáo của các huyện, thành phố và các đơn vị chưa kịp thời, nội dung báo cáo chưa phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động của các quỹ và những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, do đó chưa đề xuất kịp thời với cấp có thẩm quyền những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Tóm lại, các quỹ tài chính địa phương đã bám sát kế hoạch tài chính năm 2019 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời quá trình thực hiện đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm được nguồn tài chính trong xã hội, giảm một phần gánh nặng cho NSNN. Một số quỹ có nguồn thu lớn đã góp phần đáng kể vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương (Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Quỹ phát triển đất); an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Công tác lập, quản lý và sử dụng các quỹ được thực hiện theo quy định của Pháp luật và ngày càng đi vào nề nếp, hoạt động có hiệu quả hơn; các nội dung thu, chi thực hiện trên cơ sở Điều lệ và quy định riêng của từng quỹ. Việc quản lý và sử dụng các quỹ đảm bảo công khai, minh bạch và thực hiện thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước.
4. Tình hình thực hiện cụ thể của một số quỹ tài chính lớn
4.1. Quỹ bảo trì đường bộ
- Nhiệm vụ của quỹ: Bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ; sửa chữa định kỳ công trình đường bộ; sửa chữa đột xuất: khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông hoặc các nguyên nhân bất thường khác, chi giải phóng mặt bằng (nếu có) để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông các tuyến đường địa phương do Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố được giao quản lý theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và quy định của pháp luật về đất đai....
- Nguồn thu của Quỹ: Ngân sách trung ương cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương (35% ngân sách trung ương bổ sung cho địa phương); Ngân sách địa phương cấp bổ sung cho Quỹ địa phương; các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Ước thực hiện năm 2019, số thu của quỹ là 155,7 tỷ đồng từ nguồn NSNN cấp bổ sung.
- Tổng số chi của quỹ dự kiến năm 2019 đạt 156,8 tỷ đồng; trong đó: Kinh phí khắc phục sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường tỉnh, huyện: 99,3 tỷ đồng; kinh phí chi khắc phục các tuyến đường bị thiệt hại do thiên tai, lũ bão: 50,3 tỷ đồng; kinh phí cấp bù hoạt động bến phà Nậm Ét: 1,6 tỷ đồng, kinh phí dự phòng đảm bảo an toàn giao thông: 5,6 tỷ đồng.
- Công tác quản lý sử dụng, nguồn vốn quỹ thực hiện đúng mục đích, hiệu quả và chế độ chính sách của nhà nước hiện hành, đảm bảo phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân và các phương tiện tham gia giao thông. Góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các vùng và phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng của địa phương.
4.2. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng
- Nguồn thu của Quỹ gồm: Nhận ủy thác tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo hợp đồng nhận ủy thác (phần phí dịch vụ ủy thác); tiếp nhận ủy thác tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế; thực hiện ủy thác chi trả DVMTR với các tổ chức cá nhân. Ước thực hiện năm 2019; tổng số thu của quỹ là 260,76 tỷ đồng; chủ yếu là nguồn thu từ sử dụng dịch vụ môi trường rừng của các Tổ chức, Doanh nghiệp, cá nhân theo hợp đồng được ủy thác và một phần kinh phí trồng rừng thay thế từ ngân sách tỉnh theo quy định.
- Tổng số chi của quỹ dự kiến năm 2019 đạt 258,28 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn chuyển nguồn năm 2018 sang 262,8 tỷ đồng) chủ yếu chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng theo quy định.
- Công tác quản lý sử dụng, nguồn vốn quỹ thực hiện theo quy định của Chính phủ và các quyết định của UBND tỉnh hàng năm về giao kế hoạch thu, chi của quỹ; Quỹ đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; Thử nghiệm và phổ biến, nhân rộng mô hình bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững; Hỗ trợ kinh phí để chống chặt, phá rừng và sản xuất, kinh doanh, vận chuyển lâm sản trái phép...Thực hiện chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án khác do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác; qua đó đã góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển vốn rừng, từng bước tạo thu nhập cho người trồng rừng trên địa bàn.
4.3. Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã
- Nguồn thu của Quỹ: Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ vốn, thu lãi từ các hợp tác xã vay vốn, lãi tiền gửi. Ước tính năm 2019, tổng số thu của quỹ là 3,144 tỷ đồng (trong đó NSNN cấp 2 tỷ đồng). Dự kiến số vốn cho vay trong năm là 3,45 tỷ đồng. Dư nguồn cuối kỳ dự kiến là 22 triệu đồng (dư tiền mặt tại quỹ).
- Nguồn vốn của Quỹ thực hiện hỗ trợ cho các Tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp các hợp tác xã sản xuất kinh doanh, đổi mới phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ kỹ thuật, phát triển thị trường, nhân rộng mô hình,…
- Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ về cơ bản đã tuân thủ theo các quy định hiện hành của nhà nước. Thông qua chính sách cho vay đã hỗ trợ cho 13 hợp tác xã (với tổng số vốn 3,45 tỷ đồng) về nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho trên 500 lao động, từng bước nâng cao thu nhập cho xã viên và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho các Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
4.4. Quỹ Hỗ trợ nông dân
- Nguồn thu của quỹ từ nguồn vốn do TW Hội Nông dân Việt Nam ủy thác theo Quyết định 1201-QĐ/HNDTW ngày 31/12/2013; nguồn vốn do ngân sách tỉnh cấp hàng năm; Nguồn vốn vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn trích tăng nguồn thu phí theo Quyết định 908-QĐ/HNDTW ngày 15/11/2011 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
- Nhiệm vụ của quỹ: Thực hiện theo Thông tư 69/2013/TT/BTC ngày 21/5/2013 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các Quỹ Hỗ trợ Nông dân thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam, và được thu phí trên số vốn cho vay trợ giúp để trang trải các chi phí cần thiết cho hoạt động của Quỹ theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp các chi phí hoạt động của Quỹ, bảo toàn vốn. Đối với nguồn vốn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác, mức thu phí 0,7%/tháng (8,4%/năm) ; Nguồn Quỹ nguồn vốn UBND tỉnh tỉnh cấp, nguồn vận động, ủng hộ mức thu phí 0,6%/tháng (7,2%/năm).
- Ước thực hiện năm 2019, tổng số thu của quỹ là 9,2 tỷ đồng (trong đó cấp tỉnh 1,5 tỷ đồng; cấp huyện 7,7 tỷ đồng).
- Tổng số chi của quỹ năm 2019 dự kiến đạt 6,1 tỷ đồng (trong đó cấp tỉnh 1,5 tỷ đồng; cấp huyện 4,6 tỷ đồng). Dự kiến tổng số dư quỹ đến 31/12/2019 là 22,16 tỷ đồng. Quỹ thực hiện cho vay quay vòng, số dư vốn quỹ cuối năm chủ yếu là số dư nợ cho các hộ nông dân vay xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nhằm xóa đói, giảm nghèo.
- Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 69/2013/TT/BTC ngày 21/5/2013. Hàng năm Quỹ cùng với nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp, Quỹ đã vận động ủng hộ từ các tổ chức trên địa bàn tỉnh, bổ sung từ nguồn thu phí, Quỹ tham mưu cho Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chọn mô hình, hướng dẫn các đơn vị được chọn lập dự án cho hội viên nông dân vay theo quy định. Đã hỗ trợ vốn cho 2.500 hộ nông dân triển khai 300 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đã cải thiện góp phần cải thiện đời sống của nông dân và thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
4.5. Quỹ Giải quyết việc làm (Ủy thác qua hệ thống NHCSXH)
- Quỹ được ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Sơn La, theo đó toàn bộ nguồn vốn của Quỹ ủy thác cho chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Sơn La thực hiện cho các tổ chức, đoàn thể hội và cá nhân vay vốn, tạo việc làm.
- Nguồn thu của Quỹ: Ngân sách nhà nước cấp và thu lãi cho vay; tổng số dư của quỹ đến 31/12/2018 là 81,107 tỷ đồng. Ước tính năm 2019, tổng số thu của quỹ là 8,014 tỷ đồng (do ngân sách nhà nước cấp 8 tỷ và điều chỉnh nguồn vốn thu hồi từ dự án 747 theo Quyết định số 689/QĐ-UBND ngày 24/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chuyển nguồn vốn thu hồi từ một số nguồn vốn ngân sách tỉnh chuyển sang NHCSXH cho vay, để bổ sung nguồn cho vay Quỹ giải quyết việc làm tỉnh là 0,014 tỷ đồng), tổng dư nợ vay ước thực hiện đến 31/12/2019 là 89,1 tỷ đồng bằng 99,8% kế hoạch, với tổng số 2.840 hộ gia đình, bình quân dư nợ 35,9 triệu đồng/hộ. Công tác phân bổ tiền lãi thu được, thực hiện theo quyết định số 2742/QĐ-UBND ngày 25/10/2017 của UBND tỉnh, đến 31/10/2019, chưa thực hiện trích lãi bổ sung vào nguồn vốn năm 2019.
- Hàng năm quỹ cho vay thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, Hội đoàn thể nhận ủy thác cho vay, tập trung cho vay phát triển kinh tế, nông lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Ước trong năm 2019 quỹ sẽ giải quyết cho 739 lượt khách hàng vay vốn; tạo việc làm cho trên 800 lao động; bên cạnh đó Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sơn La đã thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo kế hoạch tăng trưởng dư nợ được giao, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được phân bổ.
4.6. Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo
- Nguồn thu của Quỹ: Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, các thành viên của Quỹ hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm. Hằng năm, lập kế hoạch sử dụng kinh phí trình UBND tỉnh cấp từ nguồn ngân sách nhà nước; vận động sự đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ Quỹ; tổ chức quản lý chi trả các khoản kinh phí hỗ trợ Quỹ cho hộ nghèo khi tham gia khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
- Nội dung chi của Quỹ: Hỗ trợ một phần kinh phí tiền ăn điều trị nội trú; tiền xăng xe, đi lại tự túc cho bệnh nhân khám, chữa bệnh; Kinh phí hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân tử vong, bệnh nhân tiên lượng không qua khỏi về nhà theo nguyện vọng gia đình cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật, người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước và người mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, chạy thận nhân tạo…) trên địa bàn tỉnh Sơn La theo quy định.
- Ước tính năm 2019, tổng nguồn thu của quỹ là 46,27 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Dự kiến số kinh phí giải ngân, hỗ trợ người bệnh trong năm 2019 là 46,27 tỷ đồng; đảm bảo khám, chữa bệnh cho trên 118.046 lượt người dân trên địa bàn tỉnh.
4.7. Quỹ phát triển đất
- Nguồn thu của Quỹ: Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ vốn điều lệ, thu lãi tiền gửi; sử dụng một phần trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất điều tiết ngân sách tỉnh và các nguồn tài chính huy động khác.
- Nhiệm vụ của Quỹ: Thực hiện ứng vốn cho các đơn vị được giao phát triển quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu vực đã có quy hoạch phải thu hồi đất mà người sử dụng đất có nhu cầu chuyển nhượng trước khi Nhà nước thu hồi đất…khi đã có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phát triển quỹ đất được cấp thẩm quyền phê duyệt và hoàn thành đầy đủ các thủ tục về đầu tư của dự án.
- Ước tính năm 2019, dự kiến số thu của quỹ là 64,6 tỷ đồng, vốn sử dụng trong năm là 64,6 tỷ đồng (ứng vốn để giải phóng mặt bằng khu dân cư tổ 5- Phường Chiềng Sinh- thành phố Sơn La: 58 tỷ đồng của Ban quản lý các khu công nghiệp; dự án tượng đài Bác Hồ đối với các dân tộc Tây Bắc của Sở Văn hóa thể thao và du lịch: 6,6 tỷ đồng…). Dư nguồn cuối kỳ dự kiến đến 31/12/2019 là 117,33 tỷ đồng (bao gồm dư nợ ứng 101 tỷ đồng hạn trả trong năm 2020).
- Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ thực hiện theo đúng điều lệ tổ chức, hoạt động và Quy chế quản lý, sử dụng ban hành tại Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 03/5/2018 của UBND tỉnh; tạo điều kiện cho các huyện, thành phố về nguồn vốn giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn để bán đấu giá, tăng thu cho ngân sách.
4.8. Quỹ Bảo vệ môi trường
- Nguồn thu của Quỹ: Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
- Quỹ thực hiện hỗ trợ tài chính cho tổ chức, cá nhân có các chương trình, dự án, nhiệm vụ và các hoạt động nhằm phòng, chống, khắc phục ô nhiễm và sự cố môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời quỹ được sử dụng tối đa 30% vốn bổ sung hàng năm để tài trợ và đồng tài trợ.
- Tổng số dư của quỹ đến tháng 31/12/2018 là 31,4 tỷ đồng; năm 2019, tiếp nhận và hướng dẫn cho 25 lượt tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục nộp tiền ký quỹ, với tổng số thu của quỹ là 2,135 tỷ đồng. Dự kiến chi từ quỹ năm 2019 là 120 triệu đồng, để chi trả các khoản ký quỹ của các dự án giấy phép khai thác hết hạn khai thác và đơn vị đã hoàn phục môi trường. Dư nguồn cuối kỳ dự kiến là 33,42 tỷ đồng (bao gồm số tồn dư tại quỹ, số dư nợ vay chưa thu hồi).
4.9. Quỹ đền ơn, đáp nghĩa
- Nguồn thu của Quỹ: Hàng năm Ban quản lý quỹ vận động đóng góp xây dựng Quỹ từ các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan quân sự, công an, các cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố.
- Nhiệm vụ chi của Quỹ: Thực hiện tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sỹ; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng hoặc thân nhân liệt sỹ của họ; thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn, chi các hoạt động quản lý quỹ, trao tặng sổ tiết kiệm.
- Ước tính năm 2019, tổng số thu của quỹ là 2,61 tỷ đồng. Dự kiến chi 6,23 tỷ đồng (bao gồm cả số dư Quỹ năm 2018 chuyển sang). Dự kiến tồn quỹ năm 2019 là 2,83 tỷ đồng.
4.10.Quỹ bảo trợ trẻ em
- Nguồn thu của Quỹ: Hàng năm Hội đồng Bảo trợ Quỹ ban hành văn bản kêu gọi Quỹ từ các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan quân sự, công an, các cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, các doanh nghiệp, cá nhân đóng trên địa bàn tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em và đã được tập thể cá nhân đã tham gia xây dựng quỹ góp hàng năm.
- Nhiệm vụ chi của Quỹ: Hàng năm căn cứ nguồn thu, Quỹ bảo trợ trẻ em bố trí kinh phí hỗ trợ cho các chương trình phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật; Chương trình cấp học bổng cho trẻ em tại tỉnh và các tỉnh khác; Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo nâng cấp lớp mẫu giáo, điểm vui chơi, giải trí, công trình nước sạch cho trường mầm non ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng; hỗ trợ đột xuất trẻ em vùng thiên tai, dịch bệnh, tai nạn rủi ro, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn.
- Ước tính năm 2019, tổng số thu của quỹ là 1,9 tỷ đồng (Ngân sách nhà nước 100 triệu đồng; tài trợ của quỹ BTTE Việt Nam và ủng hộ của các tổ chức, cá nhân 1,8 tỷ đồng). Dự kiến chi năm 2019 là 2,62 tỷ đồng. Tồn quỹ năm 2019 là 2,2 tỷ đồng.
II. DỰ KIẾN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NĂM 2020
1. Mục tiêu
Năm 2020, yêu cầu đặt ra với các Quỹ ngoài ngân sách là tập trung rà soát, đánh giá kết quả hoạt động theo Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ ngoài ngân sách. Từng bước cơ cấu lại quỹ tài chính để đảm bảo không trùng nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN theo quy định của Luật NSNN; nâng cao hiệu quả hoạt động, tính độc lập, bền vững của các quỹ tài chính, đồng thời huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính trong xã hội thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh theo các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV quyết nghị.
2. Dự kiến kế hoạch tài chính các quỹ năm 2020
- Tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố được giao trực tiếp quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách, tổng số thu của 22 quỹ là 721,8 tỷ đồng tăng 24,4% so với ước thực hiện năm 2019; trong đó nhu cầu cấp và hỗ trợ từ NSNN là 282,4 tỷ đồng, tăng 35,5% so với ước thực hiện năm 2019 (trong đó chủ yếu chi khám chữa bệnh cho người nghèo; vay vốn giải quyết việc làm địa phương; bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa đường bộ); tổng số chi các quỹ khoảng 670,4 tỷ đồng, tăng 14% so với ước thực hiện năm 2019; chênh lệch thu chi khoảng 51,3 tỷ đồng; dự kiến dư đến 31/12/2020 là 613,7 tỷ đồng.
- Nhu cầu đề nghị bổ sung từ NSNN của các quỹ rất lớn, tuy nhiên khả năng cân đối nguồn từ ngân sách địa phương rất khó khăn, trong khi yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội cấp thiết cần phải được giải quyết trước. Mặt khác, năm 2020, thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, do đó UBND tỉnh dự kiến chỉ hỗ trợ NSNN cho một số quỹ để thực hiện nhiệm vụ . Trong đó dự kiến kế hoạch tài chính của một số quỹ lớn như sau:
2.1. Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo
Dự kiến tổng thu quỹ là 50 tỷ đồng (NSNN cấp) bằng 108% so với ước thực hiện năm 2019. Tổng số chi của quỹ 50 tỷ đồng, đảm bảo kinh phí thực hiện hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo theo quy định tại Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 và Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2.2. Quỹ Giải quyết việc làm (Ủy thác qua hệ thống NHCSXH);
Dự kiến tổng thu quỹ là 35 tỷ đồng, tổng số chi của quỹ bằng 17 tỷ đồng; dự kiến nguồn dư quỹ 31/12/2020 bằng 81,1 tỷ đồng, để đảm bảo nguồn kinh phí cho vay phát triển kinh tế, nông lâm nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
2.3. Quỹ hỗ trợ nông dân
Dự kiến tổng thu quỹ là 8,25 tỷ đồng bằng 90,1% so với ước thực hiện năm 2019, trong đó NSNN hỗ trợ 7,4 tỷ đồng. Tổng số chi của quỹ bằng 8,7 tỷ đồng; chênh lệch -0,45 tỷ đồng, dự kiến nguồn dư quỹ 31/12/2020 là 30,41 tỷ đồng, đảm bảo nguồn kinh phí cho hội viên nông dân vay thực hiện các mô hình đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2.4. Quỹ hỗ trợ Hợp tác xã
Dự kiến tổng thu quỹ là 3,5 tỷ đồng (NSNN cấp 2,5 tỷ đồng) bằng 111,3% so với ước thực hiện năm 2019. Tổng số chi của quỹ bằng 3,5 tỷ đồng (cả vốn thu hồi nợ gốc và lãi cho vay), đảm bảo nguồn kinh phí cho hỗ trợ cho các hợp tác xã vay phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm và từng bước nâng cao thu nhập cho xã viên và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
2.5. Quỹ Bảo trì đường bộ
Dự kiến tổng thu quỹ là 201,5 tỷ đồng bằng 129,4% so với ước thực hiện năm 2019. Tổng số chi của quỹ bằng 201,5 tỷ đồng, đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện bảo trì hệ thống đường bộ do địa phương quản lý.
2.6. Quỹ phòng chống tội phạm
Dự kiến tổng thu quỹ là 0,8 tỷ đồng. Tổng số chi của quỹ bằng 1,295 tỷ đồng, đảm bảo nguồn kinh phí chi hỗ trợ, chi thưởng cho các vụ án theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.
2.7. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng
Dự kiến tổng thu quỹ là 208,6 tỷ đồng bằng 80% so với ước thực hiện năm 2019. Tổng số chi của quỹ bằng 282,0 tỷ đồng; chênh lệch quỹ bằng -73,4 tỷ đồng, dự kiến nguồn dư quỹ 31/12/2020 bằng 191,92 tỷ đồng, đảm bảo nguồn kinh phí trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng theo quy định của Chính phủ và kế hoạch chi trả năm 2020 của UBND tỉnh; kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý, chi trả.
2.8. Quỹ phát triển đất
Dự kiến tổng thu quỹ là 182,7 tỷ đồng, từ nguồn thu tiền sử dụng đất điều tiết ngân sách tỉnh. Tổng số chi của quỹ bằng 60 tỷ đồng, cho các dự án tạm ứng vốn, đảm bảo nguồn ứng vốn cho các đơn vị được giao phát triển quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu vực đã có quy hoạch phải thu hồi đất mà người sử dụng đất có nhu cầu chuyển nhượng trước khi Nhà nước thu hồi đất…khi đã có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phát triển quỹ đất được cấp thẩm quyền phê duyệt và hoàn thành đầy đủ các thủ tục về đầu tư của dự án.
3. Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý các quỹ tài chính
Để tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính trong thời gian tới, đề nghị các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
3.1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; trong đó tập trung vào các nội dung:
- Thực hiện rà soát các văn bản, quy định có liên quan đến mục tiêu, điều lệ hoạt động của Quỹ, mô hình tổ chức bộ máy, nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ, chế độ tài chính, kế toán, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, phân phối chênh lệch thu, chi quỹ… để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc báo cáo và trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
- Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của từng quỹ tài chính nhà nước để cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, không có khả năng độc lập về tài chính tự cân đối thu chi, hoạt động không hiệu quả hoặc trùng nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao năng lực cán bộ, đảm bảo quản lý, sử dụng nguồn lực của quỹ có hiệu quả, công khai, minh bạch; nâng cao tính độc lập và khả năng tự cân đối quỹ, hạn chế bao cấp từ ngân sách nhà nước.
- Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước, thực hiện nghiêm chế độ công khai toàn diện, rộng rãi hoạt động của các quỹ tài chính; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, trong đó quan tâm thực hiện đúng trình tự, thủ tục sử dụng nguồn quỹ, đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại quỹ bắt buộc theo quy định.
3.2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp, đánh giá về mô hình tổ chức, hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước; trên cơ sở đó kiến nghị với cấp có thẩm quyền sắp xếp lại cho phù hợp, các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước và khắc phục tồn tại, bất cập về tổ chức, hoạt động của các Quỹ tài chính nhà nước.
3.3. Sở Lao động thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố rà soát chế độ tiền lương, tiền thưởng của bộ máy quản lý các quỹ tài chính nhà nước, tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động thương binh và xã hội xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
3.4. Đối với các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng lắp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN thì phải xem xét thực hiện chuyển nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ vào NSNN: Trước mắt, cần rà soát, thay đổi phương thức quản lý đối với các quỹ đã thành lập, chuyển dần sang thực hiện theo phương thức nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thay cho việc NSNN hỗ trợ trực tiếp cho phù hợp với quy định của Luật NSNN.
3.5. Một số quỹ nhân đạo, từ thiện tập trung về một đầu mối để vận động thực hiện và quy định rõ ràng các đối tượng, phương thức hỗ trợ. Tập trung các quỹ về cho vay, bảo lãnh tín dụng về một mô hình quản lý tổng hợp, thống nhất cơ chế hoạt động như quỹ tài chính.
3.6. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ, đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, nâng cao tính độc lập và khả năng tự cân đối của quỹ, hạn chế bao cấp từ NSNN: Đối với các quỹ phục vụ an sinh xã hội có phạm vi và quy mô hoạt động lớn như Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; Quỹ giải quyết việc làm, để đảm bảo cân đối quỹ và phát triển bền vững.
3.7. Cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ ngoài ngân sách nhà nước trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ; không có khả năng độc lập về tài chính, tự cân đối được thu chi, hoạt không hiệu quả hoặc trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Trước mắt thực hiện sáp nhập Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ HTX vào Quỹ cho vay giải quyết việc làm địa phương thực hiện.
3.8. Nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, các Bộ, Ngành trung ương:
- Đề nghị bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ đóng góp Quỹ phòng chống thiên tai, các doanh nghiệp chây ỳ, chậm nộp tiền dịch vụ môi trường vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng.
- Đối với một số quỹ có nguồn thu từ hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước.
- Quỹ bảo vệ phát triển rừng:
+ Xem xét về cơ cấu tổ chức, thành lập các chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng cấp huyện (theo nhóm huyện theo quy mô diện tích nhất định) trực thuộc quỹ cấp tỉnh để tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương (đối với những địa phương có diện tích lớn, nhiều chủ rừng), kinh phí hoạt động lấy từ nguồn thu của quỹ.
+ Cho phép sử dụng kinh phí trích đối đa 10% từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng và tiền lãi phát sinh tiền trồng rừng thay thế để chi hỗ trợ các chương trình dự án, phi dự án.
+ Cho phép sử dụng kinh phí dự phòng được trích đối đa 5% từ tiền dịch vụ môi trường rừng để điều tiết cho các khu vực có đơn giá thấp hơn; trường hợp không cho phép điều tiết, đề nghị ngân sách nhà nước tăng mức hỗ trợ cho các lưu vực có đơn giá thấp để giảm bớt sự chênh lệch quá lớn như hiện nay.
- Đề nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ của Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương và chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế hiện nay.
- Quỹ bảo trì đường bộ: Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; Căn cứ các quy định hiện hành, đề nghị Bộ Tài chính sớm quyết định điều chuyển tài sản hạ tầng quốc lộ từ tỉnh Sơn La về Bộ Giao thông vận tải quản lý, để có cơ sở sửa chữa kịp thời hư hỏng, tiết kiệm chi phí sửa chữa, hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn, bền vững công trình.
Trên đây là báo cáo đánh giá báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2019, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2020 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý./.
|