Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Tăng chế tài để tránh thất thoát tài sản công
Nhằm đảm bảo việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công hiệu quả, chặt chẽ, công khai, minh bạch, tránh thất thoát tài sản công, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (Nghị định số 167).
Sẽ có nhiều quy định mới về quản lý đất công trong dự thảo nghị định 167 sửa đổi.
Sẽ có nhiều quy định mới về quản lý đất công trong dự thảo nghị định 167 sửa đổi. Ảnh: T.T

Theo đó, dự kiến sẽ quy định chặt chẽ, bao quát hết các đối tượng; đồng thời phân cấp thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định bán nhà, đất thuộc quyền quản lý.

Đã phê duyệt sắp xếp lại, xử lý 2.013 cơ sở nhà, đất

Qua hơn 1 năm thực hiện, Nghị định số 167 là khung pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, thực hiện sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng nhà, đất hướng đến mục tiêu kỷ cương, tiết kiệm và đem lại hiệu quả cao hơn. Ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp cũng như cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp (DN) trực tiếp sử dụng nhà, đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê đã có chuyển biến tích cực. Trên thực tế, nguyên tắc và hình thức xử lý nhà, đất quy định tại Nghị định số 167 đã bảo đảm bao quát, điều chỉnh phù hợp các tình huống phát sinh trên thực tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

Trong năm 2018, trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 2.013 cơ sở nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, DN của 11 bộ, ngành, địa phương và 4 tập đoàn, tổng công ty quản lý, sử dụng. Trong đó, có 1.875 cơ sở nhà, đất xử lý theo phương án giữ lại tiếp tục sử dụng; 108 cơ sở nhà, đất xử lý theo phương án điều chuyển; 17 cơ sở nhà, đất chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật; 13 cơ sở nhà, đất được phê duyệt theo phương án tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.

Mặc dù quá trình thực hiện đạt nhiều kết quả, nhưng đã phát sinh một số nội dung cần được quy định rõ hơn, cụ thể như: Phạm vi, đối tượng áp dụng của Nghị định số 167; thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất tại tổ chức chính trị - xã hội; hạch toán tài sản, giá trị tài sản khi thực hiện các quyết định xử lý nhà, đất theo hình thức điều chuyển, thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; xử lý nhà, đất sau khi thu hồi, chuyển giao về địa phương...

Phân cấp thẩm quyền quyết định bán nhà, đất

Trên cơ sở các vướng mắc do bộ, ngành, địa phương đề xuất, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167 để trình Chính phủ. Trong đó, quy định rõ hơn về phạm vi áp dụng, bổ sung một số trường hợp nhà, đất không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định số 167 để bảo đảm việc xử lý được chặt chẽ về cơ sở pháp lý, không trùng lắp với các luật liên quan.

Dự kiến quy định rõ về đối tượng là DN thực hiện sắp xếp nhà, đất gồm: công ty mẹ và công ty thành viên mà công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung một số quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong đó, sửa đổi thẩm quyền bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý có nguyên giá nhà, đất dưới 500 tỷ đồng theo hướng: phân cấp cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định bán nhà, đất thuộc phạm vi quản lý.

Ngoài ra, dự kiến bổ sung quy định về trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và việc hạch toán, thanh toán các chi phí có liên quan khi xử lý nhà, đất theo các hình thức thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; bổ sung quy định về thẩm quyền xử lý nhà, đất theo hình thức thu hồi, điều chuyển, bán nhà, đất của tổ chức chính trị - xã hội và quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất tại tổ chức chính trị - xã hội...

Theo ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBDN TP. Hà Nội, thành phố trong quá trình triển khai xử lý, sắp xếp lại nhà đất gặp khó khăn. Trong đó có việc xác định phạm vi điều chỉnh đối với các cơ sở nhà, đất được đầu tư xây dựng bằng nguồn quỹ phúc lợi của các DN; việc xác định đối tượng áp dụng đối với các công ty cổ phần có vốn nhà nước và công ty con cấp 2, cấp 3. Do đó, Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 167, tháo gỡ khó khăn trong quá trình sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất. Tại hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đây cũng là vướng mắc chung được đại diện một số ngành, địa phương chia sẻ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương đóng góp cụ thể vào dự thảo nghị định để Bộ Tài chính hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét ban hành.

Trong năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã kê khai, đề xuất phương án xử lý đối với 164.388 cơ sở nhà, đất với khoảng 2.902,6 triệu m2 đất và 140 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 128.256 cơ sở, với tổng diện tích 1.989,8 triệu m2 đất, 118,2 triệu m2 nhà.

(Nguồn: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2017).



image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang