Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Điều hành ngân quỹ tập trung, linh hoạt, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm

 Ngân quỹ nhà nước hình thành từ nhiều nguồn, được điều hành tập trung, linh hoạt, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo ổn định vĩ mô, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, đồng thời tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng lãi suất vay cho ngân sách mỗi năm.

Trong phiên họp tổ ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải thích, trao đổi làm rõ nhiều vấn đề được nêu trong các báo cáo liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017.

Số dư ngân quỹ được điều hành linh hoạt, tập trung

Trước tiên, về ý kiến liên quan đến điều hành ngân quỹ và phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), Bộ trưởng cho biết, theo quy định của Luật NSNN và Nghị định 24 của Chính phủ, ngân quỹ nhà nước được hình thành từ các nguồn: tồn quỹ của NSNN gồm ngân sách trung  ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP); tiền gửi của các quỹ tài chính nhà nước như quỹ hỗ trợ sắp xếp phát triển doanh nghiệp (DN); quỹ tích luỹ trả nợ, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, tiền gửi của dự án, kinh phí...

Trước kia, ngân quỹ không tập trung, nên có những lúc địa phương thừa tiền mà trung ương không điều hành được. Đến nay, việc tập trung về ngân quỹ trung ương đã khắc phục được tình trạng này. 

Trường hợp ngân quỹ nhàn rỗi thì theo quy định có thể sử dụng tạm ứng cho NSTW, NSĐP, hoặc thậm chí cho vay, gửi kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, mua TPCP, điều hành qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN)... Phương án điều hành ngân quỹ được phê duyệt cụ thể theo từng quý và ngân quỹ luôn biến động thường xuyên, do dòng tiền phải đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi.

Trong cơ cấu ngân quỹ nhà nước, số dư từ nguồn quỹ của NSNN các cấp thường chiếm tỷ trọng 50%, thậm chí có thời điểm chiếm 30 - 35%. Mặc dù số tồn ngân có tăng gần đây nhưng chủ yếu là quỹ của NSĐP do chi năm trước chuyển sang năm sau lớn, kết dư của NSĐP lớn. Chẳng hạn năm 2017, số chuyển nguồn của NSĐP đã xác định là 245,2 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu chuyển nguồn từ tăng thu NSĐP. Năm 2018, ước tính số chuyển nguồn của NSĐP cao hơn năm 2017. Trong đó, tính riêng số chuyển nguồn về tăng thu, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và kết dư NSĐP là trên dưới 300.000 tỷ đồng. Thông thường, cuối năm mới xác định được số tăng thu, kết dư, kinh phí tiền lương phải để lại… 

BT
 Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: PV  

Góp phần đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng 

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tồn ngân của Kho bạc Nhà nước (KBNN) gửi ở ngân hàng thương mại chỉ ở mức tối thiểu để thanh toán hàng ngày, còn lại chủ yếu đầu tư vào NHNN. Do đó, thanh khoản của NHNN được tốt hơn, có nguồn tiền kịp thời, chi phí thấp để mua dự trữ ngoại hối… Cũng nhờ vậy, chênh lệch thu chi của NHNN hàng năm đã tăng lên đáng kể. 

Ngoài ra, trong những thời điểm cần thiết, cơ quan điều hành không phát hành TPCP như kế hoạch mà tạm ứng ngân quỹ từ trung ương để chi tiêu, nhờ đó tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng lãi suất mỗi năm. "Đây chính là sự phối hợp điều hành chặt chẽ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ mà Thủ tướng đánh giá rất cao" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết. 

Bên cạnh yếu tố đảm bảo nhu cầu chi kịp thời của các tổ chức, cơ quan gửi vào ngân quỹ, số tồn dư ngân quỹ được điều hành hợp lý còn có ý nghĩa rất quan trọng là giữ ổn định vĩ mô, đặc biệt là đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, tiết kiệm chi phí trong điều hành tiền tệ từ đó tiết kiệm cho cả nền kinh tế. Trong điều hành, hai cơ quan đã phối hợp linh hoạt, nhịp nhàng, ăn khớp.

Năm 2018, kế hoạch huy động vốn Quốc hội quy định là 341,77 nghìn tỷ đồng, gồm cả vay cho bội chi và trả nợ gốc. Tuy nhiên, cơ quan điều hành chỉ giao cho KBNN huy động 275 nghìn tỷ đồng. Tương tự, năm 2019, tính đến 21/5 đã phát hành hơn 80 nghìn tỷ đồng TPCP, chủ yếu để trả nợ gốc. Cùng với việc phát hành trái phiếu lãi suất thấp, thời hạn dài, tình hình nợ công đã an toàn hơn, bền vững hơn.

Quản lý bội chi ngày càng tích cực 

Về vấn đề chống chuyển giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh vấn đề phải làm rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cơ quan, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế. Lấy ví dụ về thu thuế kinh doanh trên mạng, khi cơ quan quản lý nhà nước còn chưa định danh được, chưa quản lý được hình thức này, thì cơ quan thuế cũng chưa thể thu thuế được. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị quá trình xem xét sửa đổi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần phải làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp. Cùng với đó, ngành Thuế cũng đang tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hiện đại hoá, đẩy mạnh tuyên truyền…

Liên quan đến ý kiến của Uỷ ban Tài chính ngân sách về bội chi năm 2017, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến này và giải thích, bội chi quyết toán năm 2016 là hơn 248.700 tỷ đồng, bằng 5,5% GDP, chưa bao gồm vay đảo nợ, trái phiếu, là những khoản nằm ngoài bội chi theo quy định Luật NSNN cũ. Nếu tính theo Luật NSNN mới (2015), bội chi năm 2016 là 8,1%. Đến năm 2017, quyết toán  bội chi là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP, đã bao gồm cả trái phiếu theo luật mới. Điều này cho thấy, việc quản lý bội chi đã tốt lên nhiều. 

Về con số nợ công tăng 7,1% (số tuyệt đối) được nêu trong báo cáo thẩm tra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, mặc dù chúng ta cơ cấu lại nợ công rất tích cực song mới bố trí trả nợ lãi, chưa trả được nợ gốc mà chỉ đảo nợ để cơ cấu lại. Do chúng ta chưa có bội thu để trả nợ gốc nên số nợ công tuyệt đối vẫn tăng. Tuy nhiên, mới đây, trong số vượt thu năm 2018, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ dành ra hơn 3.500 tỷ đồng để giảm bội chi và phương án sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin phép thực hiện. 

Ngoài ra, tại cuộc họp, lãnh đạo ngành Tài chính cũng giải thích, làm rõ nhiều ý kiến của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nêu tại báo cáo kiểm toán quyết toán. Đơn cử, KTNN nêu việc tổng hợp dự toán NSNN do các địa phương lập chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định, khoản thu bán vốn nhà nước giao chưa chi tiết. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết số liệu nêu tại báo cáo kiểm toán là số khái toán cho năm 2017, do các cục thuế lập và báo cáo địa phương để gửi Tổng cục Thuế xây dựng dự toán năm 2017 (từ thời điểm giữa năm 2016).

Sau quá trình trao đổi, thảo luận nhiều vòng, các địa phương đã rà soát và tăng 109.486 tỷ đồng so với số đánh giá ban đầu. Về tổng thể, dự toán thu nội địa năm 2017 không tính thu dầu thô, thu tiền sử dụng đất, xổ số, trung ương giao tăng 13,8% so với thực hiện, đảm bảo mức tăng bình quân tối thiểu 13 - 15% theo Chỉ thị 21 của Thủ tướng. 

image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang