Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán các nguồn vốn được giao năm 2021
**--Tải về Công văn số 1958/STC-QLNS ngày 03/6/2021 tại đây --**
Những tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo báo cáo của KBNN tỉnh, tổng vốn đầu tư từ nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 5 tháng đầu năm ước đạt 1.158,236 tỷ đồng, bằng 36,69% kế hoạch năm, (trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 902,794 tỷ đồng, chiếm 77,95%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 255,442 tỷ đồng, chiếm 22,05%), tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu đề ra, một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân bằng không; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong công tác đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân, thanh toán.
Để đảm bảo thực hiện tốt “mục tiêu kép”: vừa nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh. Sở Tài chính đề nghị các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện, một số nội dung sau:
1. Tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chính ngân sách những tháng còn lại năm 2021 theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ; Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán nhà nước năm 2021. Phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán NSNN nhà nước năm 2021 đã được HĐND tỉnh quyết nghị.
2.Triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Chương trình hành động số 02/CT-UBND ngày 22/6/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán các nguồn vốn được giao, hạn chế tình trạng chuyển nguồn và nộp trả ngân sách cấp trên.
3. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện quản lý chi NSNN năm 2021 theo đúng chế độ, chính sách, trong phạm vi dự toán được duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả:
3.1. Lĩnh vực đầu tư: đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng... Phấn đấu hết quý III/2021, tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước tăng tối thiểu 10% so với cùng kỳ.
3.2. Chi đầu tư công, chương trình mục tiêu:
- Xây dựng và ban hành Chương trình hành động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo các khoản chi phải được giải ngân, thanh toán và phát huy hiệu quả trong năm 2021; khắc phục tình trạng dồn chi vào cuối năm, hạn chế tình trạng chuyển nguồn, nộp trả ngân sách cấp trên.
- Chủ động rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng Sở, Ban, Ngành, huyện, thành phố để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. Rà soát tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ đầu tư, chủ dự án; nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án, đảm bảo triển khai thực hiện các dự án theo tiến độ cam kết; giảm thiểu tình trạng nhà thầu không đủ năng lực.
- Bố trí đầy đủ, kịp thời vốn theo cam kết đối với các dự án; nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị dự án, bảo đảm sẵn sàng thực hiện khi dự án được phê duyệt. Chủ động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch. Thực hiện xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, chủ dự án, tổ chức cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
3.3. Chi thường xuyên: Tập trung cao đẩy nhanh tiến độ chi ngân sách, chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản chi thiết yếu như lương, phụ cấp lương cho cán bộ, công, nhân viên chức và người lao động. Thực hiện giao chỉ tiêu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên 8 tháng còn lại năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch điều chỉnh nhiệm vụ chi để bù đắp khoản chi tiết kiệm thêm, đảm bảo nguyên tắc việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên 8 tháng còn lại năm 2021, không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ được giao.
3.4. Chi an sinh xã hội: Rà soát đầy đủ đối tượng, đúng thời gian, kịp thời chi trả kinh phí tiền lương, phụ cấp, học bổng, trợ cấp, chi đảm bảo an sinh xã hội và các khoản chi cấp thiết cho các đối tượng bảo trợ, đối tượng chính sách... theo quy định của Chính phủ, Bộ, Ngành Trung ương và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Kiên quyết khắc phục tình trạng nợ, chậm chi trả chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước.
3.5. Chi mua sắm, sữa chữa tài sản: Thực hiện rà soát các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc đã bố trí trong dự toán tại các cấp ngân sách. Hoàn thiện hồ sơ, quy trình, trình cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính, Nghị quyết số 118/2019/NQ-HĐND ngày 05/12/2019 và đảm bảo tiến độ theo quy định tại Điều 27, quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2787/QĐ-UBND ngày 10/12/2020 của UBND tỉnh về quản lý điều hành ngân sách địa phương năm 2021.
3.6. Đảm bảo an toàn tài chính các cấp: Tập trung quản lý, tổ chức điều hành tài chính ngân sách theo tiến độ. UBND các huyện, thành phố điều hành ngân sách theo tiến độ thu ngân sách trên địa bàn và trợ cấp cân đối ngân sách cấp trên, đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách và an toàn quỹ, khắc phục tình trạng một số huyện mất cân đối ngân sách tạm thời.
3.7. Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, rà soát báo cáo tiến độ giải ngân, thanh toán các nguồn vốn được giao cho từng dự án, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, theo Quyết định số 319-QĐ/TU ngày 01/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy định về trách nhiệm và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và Quyết định số 2501/QĐ-UBND ngày 12/10/2018 của UBND tỉnh ban hành quy định về theo dõi, đánh giá và xử lý trách nhiệm việc tiếp nhận, phân bổ, giải ngân, thanh toán các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu và các nguồn vốn ngân sách tỉnh.
4. Kho bạc nhà nước tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm soát chi ngân sách, nhất là các khoản đầu tư xây dựng cơ bản, chi mua sắm tài sản,... thực hiện nghiêm các quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc nhà nước theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ, kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi không đúng quy định, không đủ thủ tục. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật việc vi phạm quy định về thực hiện cam kết chi qua Kho bạc nhà nước.
Sở Tài chính đề nghị Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện./.