Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, hướng tới người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La sử dụng phổ cập các ứng dụng thông minh trong cuộc sống
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, hướng tới người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La sử dụng phổ cập các ứng dụng thông minh trong cuộc sống
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Công văn số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 08/06/2022 về việc triển khai thí điểm việc thành lập Tổ Chuyển đổi số cộng đồng (CĐSCĐ) trên địa bàn tỉnh Sơn La; nhằm đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ CĐSCĐ để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn; ngày 23/6/2023 UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ CĐSCĐ tại Công văn số 2318/UBND-KGVX.
Tổ CĐSCĐ được coi là cánh tay nối dài của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số và tại địa phương là cánh tay nối dài của chính quyền, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, bản, tiểu khu. Tổ CĐSCĐ hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó sẽ trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ. Tổ CĐSCĐ thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 3.090 tổ CĐSCĐ, với 15.902 thành viên (trong đó có 204 tổ CĐSCĐ cấp xã với tổng số thành viên là: 1.814 người; 2.886 tổ CĐSCĐ cấp tổ, bản, tiểu khu với tổng số thành viên là 14.088 người). Nhiệm vụ hàng đầu của tổ CĐSCĐ là "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số và các ứng dụng trên App điện tử như: Dịch vụ công trực tuyến; đăng ký tài khoản định danh điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt các lĩnh vực: điện, cước điện thoại, Internet; ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặt lịch khám bệnh, tư vấn từ xa; ứng dụng kết nối giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường, tra cứu điểm, kết quả học tập... Bên cạnh đó, các thành viên tổ CĐSCĐ đã từng bước triển khai các nền tảng số và trực tiếp hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong khu dân cư, tổ, bản cài đặt các ứng dụng sổ sức khỏe điện tử...; thành lập các nhóm mạng xã hội Zalo và các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác với thành viên gồm tất cả các hộ gia đình, người dân có thiết bị điện thoại thông minh trong khu dân cư, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác thường xuyên. Đồng thời, lắng nghe, tổng hợp ý kiến người dân về chuyển đổi số; khảo sát, thống kê thông tin, số liệu trong nhân dân…Từ khi thành lập đến nay hàng chục nghìn lượt người dân trên địa bàn tỉnh đã được các thành viên tổ CĐSCĐ tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như: Thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, mua bán trên sàn thương mại điện tử, sử dụng các nền tảng số, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cơ bản…Hoạt động của các tổ CĐSCĐ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định; Công tác tuyên truyền, hướng dẫn được thực hiện linh hoạt thông qua các nhóm Zalo hoặc thông qua các buổi họp của nhân dân tại khu dân cư. Qua công tác tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Thực hiện quy định tại điểm đ khoản 1 mục IV, điều 1 Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: “Ở địa phương, phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng theo hướng xã hội hoá”. Theo đó, mỗi người dân, tổ CĐSCĐ các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những lợi ích về chuyển đổi số cho người dân (đặc biệt người thân, gia đình, bạn bè,…) và doanh nghiệp, nâng cao nhận thức, hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, giúp cho công việc và cuộc sống được thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn thông qua các dịch vụ công. Các cơ quan truyền thông thường xuyên truyền thông về chuyển đổi số, tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ trực tuyến thông qua tuyên truyền, hướng dẫn. Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số.