Tài chính toàn diện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, giúp thúc đẩy tiêu dùng cũng như đầu tư thông qua việc cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nghèo và giảm bất bình đẳng xã hội.
Phát triển tài chính toàn diện trong bối cảnh chuyển đổi số
Tài chính toàn diện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế; giúp các thành phần kinh tế dễ dàng tiếp cận tài chính (đặc biệt là những người nghèo và các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ); thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư thông qua việc cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nghèo và giảm bất bình đẳng xã hội.
Chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Theo đó, tính đến nay, 63/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hầu hết các cơ quan theo phân công đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Chiến lược tài chính quốc gia đặt ra mục tiêu tổng quát: Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Chính phủ đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách liên quan đến tài chính toàn diện quốc gia như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế;… Phấn đấu đến cuối năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20 - 25% hàng năm...
Thu hẹp khoảng cách tiếp cận tài chính toàn diện với nhóm dân cư
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa ngày càng sâu rộng, tài chính toàn diện đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Xu hướng phát triển của nền kinh tế số và những tiến bộ trong công nghệ tài chính đã tạo ra những cơ hội chưa từng có để mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho mọi đổi tượng trong xã hội. Đặc biệt, sự bùng nổ của các giải pháp tài chính số như mobile banking, ví điện tử và các nền tảng thanh toán điện tử đã góp phần quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính giữa các vùng miền và các nhóm dân cư khác nhau.
Tính đến tháng 6/2024, đã có gần 12 nghìn điểm kinh doanh dịch vụ Mobile-Money được thiết lập và khoảng 275 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile-Money. Các sản phẩm, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân tăng khoảng 22%, đạt trên 180 triệu tài khoản. Tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng tăng trưởng tốt, chiếm khoảng 24% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ đề ra.