Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTG ngày 22/5/2024 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

I. Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội

1.1. Đối với đánh giá  kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Thực hiện đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật về thu ngân sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành NSNN của cấp có thẩm quyền; không đánh giá vào thu NSNN các khoản thu phí đã chuyển sang giá dịch vụ theo quy định của Luật Phí và lệ phí, các khoản được khấu trừ đối với cơ quan nhà nước hoặc khoản trích lại phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.

Cục thuế tỉnh, các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thực hiện thu NSNN 6 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện 6 tháng cuối năm 2024, trong đó tập trung làm rõ những thuận lợi, khó khăn; kiến nghị giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN được HĐND tỉnh giao.

1.2. Đánh giá tình hình thu ngân sách năm 2024

Trên cơ sở quyết toán năm 2021, quyết toán năm 2022, thực hiện năm 2023 và ước thực hiện cả năm 2024, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN 04 năm 2021 - 2024 so với mục tiêu, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 theo Hội đồng nhân dân, chi tiết từng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế, thu nội địa còn lại (ngoài tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu viện trợ (nếu có); làm rõ kết quả đạt được, tồn tại hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan (trong đó, đánh giá cụ thể tác động của dịch Covid-19 và các điều chỉnh chính sách thu…); bài học kinh nghiệm; bối cảnh và kiến nghị giải pháp về cơ chế, chính sách, quản lý thu NSNN trong thời gian tới.

          1.3. Đánh giá tình hình thực hiện chi ngân sách năm 2024

Đánh giá tình hình chi đầu tư phát triển: Tình hình phân bổ và giao, điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2024 (nếu có), chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực chi, theo các chỉ tiêu: thời hạn phân bổ và giao kế hoạch cho chủ đầu tư; kết quả bố trí dự toán để thu hồi vốn ngân sách ứng trước và thanh toán nợ xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 thuộc nguồn NSNN theo quy định tại khoản 4 Điều 101 Luật Đầu tư công; khó khăn, vướng mắc, kiến nghị điều chỉnh cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện.

Tình hình thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển chương trình, dự án nguồn NSNN năm 2024 (bao gồm cả chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2024 theo quy định).

Đánh giá tình hình chi thường xuyên: Tình hình triển khai phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán chi thường xuyên 6 tháng đầu năm, dự kiến khả năng thực hiện cả năm 2024 chi tiết theo từng lĩnh vực chi được giao. Đối với các nhiệm vụ chi lĩnh vực an ninh, quốc phòng được áp dụng cơ chế sử dụng nguồn chi thường xuyên NSNN theo phê duyệt của cấp thẩm quyền.

Tình hình thực hiện việc cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên theo quy định tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

II. Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

Nguyên tắc xây dựng: Đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật khác có liên quan; đúng quy định của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ĐTPT, chi thường xuyên NSNN; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách, chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị. Đảm bảo nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với lộ trình tính giảm biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.

Xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển: Dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN bao gồm cả nguồn vốn vay (ODA và ưu đãi nước ngoài), vốn viện trợ (vốn ODA không hoàn lại, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức), nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, nguồn thu tiền sử dụng đất được xây dựng theo các quy định của pháp luật và khả năng cân đối của NSNN trong năm; phù hợp với các kế hoạch 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật NSNN, các văn bản pháp luật khác có liên quan không thuộc phạm vi của Luật Đầu tư công.

Xây dựng dự toán chi thường xuyên: Trên cơ sở Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn, các văn bản pháp luật có liên quan; các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN theo Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 19/11/2021, Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND tỉnh và các chính sách, chế độ, định mức chi NSNN; số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 2025, các cơ quan, đơn vị và các huyện, thành phố xây dựng dự toán chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực chi, đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội.

image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang