Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Sẽ tính toán tỷ lệ phân chia cho thời kỳ ổn định ngân sách mới
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, sẽ tính toán, xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thời kỳ ổn định ngân sách mới.
tiền
Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối. Ảnh: TL.

Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách phần giữ lại cho thành phố, tạo điều kiện tốt hơn cho thành phố trong đầu tư phát triển.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), NSTW và ngân sách địa phương (NSĐP) được phân cấp các nguồn thu riêng, thực hiện phân chia một số nguồn thu nhất định (gồm 5 khoản thu: thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế bảo vệ môi trường; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân).

Đồng thời, NSNN đảm bảo mỗi địa phương có đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo phân cấp, tính trên cơ sở hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Căn cứ vào khả năng thu và nhu cầu chi NSĐP, tính theo hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, có địa phương phải nhận bổ sung cân đối (từ nguồn của NSTW bổ sung cho NSĐP để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định), có địa phương điều tiết (chia sẻ) một phần nguồn thu về NSTW. Tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia được ổn định 5 năm theo quy định của Luật NSNN.

Theo quy định của Luật NSNN (khoản 8 Điều 9), sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển NSĐP. Đồng thời, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi NSĐP hoặc tăng tỷ lệ phần trăm (%) nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách, để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, Luật NSNN cũng quy định, đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định dự toán ngân sách của từng địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, căn cứ vào khả năng thu và nhu cầu chi NSĐP tính theo hệ thống nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa NSTW và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh để tính toán, xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa NSTW và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.

Căn cứ các quy định hiện hành và để thành phố có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, Bộ Tài chính đề nghị TP. Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/NQ-QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Trong đó cần tập trung phát triển nguồn thu cho ngân sách thành phố, như: đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý, đại diện chủ sở hữu; ban hành các khoản phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí; sắp xếp lại nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý; phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương sắp xếp nhà, đất trên địa bàn...

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/

Tác giả: Phòng Quản lý ngân sách tổng hợp tin
image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang