Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
CPI tháng 5 có biến động theo giá xăng?

Giá điện, giá xăng tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4.

gia
Giá cả nhiều mặt hàng vẫn ổn định tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Ở kỳ điều hành đầu tháng 5, giá xăng tiếp tục điều chỉnh tăng, cùng với đó những lo ngại về dịch tả lợn châu Phi đang có xu hướng gia tăng tác động đến giá thịt lợn… là những yếu tố có thể làm tăng CPI trong tháng này.

Thị trường rục rịch tăng giá

Giá xăng dầu liên tục biến động tăng trong những tháng đầu năm. Như vậy, sau 3 kỳ điều hành giá xăng dầu liên tiếp của Bộ Công thương, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 3.564 đồng một lít; xăng RON95 tăng 3.642 đồng. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao là nguyên nhân khiến cơ quan quản lý buộc phải tăng giá bán lẻ trong nước. 

Giá xăng dầu, giá điện và một số nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng trong tháng 4 đã khiến CPI tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, kéo CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,71%.

Trong đầu tháng 5, giá xăng lại điều chỉnh tăng, có thể khiến nhóm giao thông tiếp tục tăng theo đà của tháng 4 (nhóm này đã tăng cao nhất trong “rổ” hàng hóa với mức tăng 4,29% trong tháng 4/2019). Những lo ngại về giá điện, giá xăng dầu tăng kéo theo việc tăng giá “kép” đã được dự báo. Một số loại hàng hóa, dịch vụ đã “ăn theo” tăng giá, như tại một số chợ truyền thống, giá thực phẩm tươi sống, rau xanh được điều chỉnh tăng, với lý do điện, xăng tăng giá kéo theo giá dịch vụ vận chuyển, bảo quản tăng.

Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tương đối ổn định trong tháng 4/2019 do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động. Riêng giá thịt lợn hơi sau khi biến động ở mức thấp trong nửa đầu tháng 4, đã nhích tăng nhẹ tại một số địa phương công bố hết dịch. Thời điểm hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và giá cả mặt hàng này cũng lên xuống thất thường, nơi tăng, nơi giảm. Nhu cầu thịt lợn vẫn rất lớn, nên nếu dịch bệnh không được kiểm soát cũng như có kế hoạch tăng đàn, trong thời gian tới khi thị trường khan hiếm, cung không đủ cầu sẽ đẩy giá mặt hàng này tăng cao. 

Phải có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao

Ở chiều ngược lại, vẫn có một số yếu tố có thể tác động giảm giá trong tháng này. Giá thịt lợn do dịch bệnh trong tháng 4 đã giảm 3,07%, người tiêu dùng có xu hướng hạn chế sử dụng các sản phẩm thịt lợn; do đó khi dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng lây lan, dự kiến giá cả sẽ không có biến động. Bên cạnh đó, một số mặt hàng vào vụ, nguồn cung dồi dào như mặt hàng rau quả tươi, lương thực, giá đường tiếp đà giảm của tháng 4... sẽ góp phần kiểm soát được mức tăng của CPI. Mặc dù một số loại thực phẩm tươi sống và rau xanh ở chợ truyền thống tăng nhẹ, nhưng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, giá cả vẫn ổn định. 

Thêm một yếu tố nữa, sau nhiều đợt tăng giá, chiều 17/5, giá xăng dầu đã giảm với mỗi lít xăng E5 RON92 giảm 200 đồng, xăng RON95-III giảm 592 đồng/lít. Giá xăng dầu giảm sẽ góp phần làm dịu sức ép lên lạm phát tháng 5 này.

 Trong công tác quản lý, điều hành giá, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ các biện pháp. Cụ thể là bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ công tác kê khai, niêm yết giá của doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước…

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ban chỉ đạo cuối tháng 3 đã yêu cầu rõ, Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện. Đối với giá xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với trích, lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo có dư địa cho bình ổn thị trường. Liên bộ cũng cần chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá mặt hàng này tăng cao, tránh ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát. 

9 tháng cuối năm 2019, theo dự báo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, các mặt hàng thiết yếu trong đó có xăng dầu biến động khó lường. Cùng đó, một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, xem xét điều chỉnh theo lộ trình thị trường... nên công tác điều hành giá gặp nhiều thách thức. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, linh hoạt nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, CPI bình quân năm 2019 ở 3,3 - 3,9%. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, việc lùi điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ sang năm 2019 đã gây sức ép cho công tác điều hành lạm phát. Trong kiểm soát chỉ số giá, ẩn số lớn nhất vẫn là giá xăng dầu thế giới. Theo dự báo, giá xăng dầu sẽ tăng trong năm 2019, nên trong điều hành cơ quan quản lý cần chủ động các kịch bản để kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra. 

image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang