Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Xây dựng dự toán ngân sách gắn với chiến lược phát triển từng thời kỳ

 Từ năm 2016, ngành Tài chính đã bắt đầu triển khai cơ cấu lại ngân sách và kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, bước đầu đạt kết quả khả quan.

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: T.T
Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: T.T

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ (2016 - 2020), vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, đòi hỏi phải tiếp tục kiên quyết thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách, nợ công theo kế hoạch, góp phần lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, tăng cường ổn định vĩ mô.

Đã giữ vững các cân đối ngân sách

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã triển khai cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Đây là chủ trương lớn của Việt Nam để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. 

Quá trình hội nhập tác động mạnh đến các nguồn thu NSNN của Việt Nam. Thuế nhập khẩu giảm theo các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương tác động đa chiều đến nguồn thu ngân sách, đòi hỏi phải cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững hơn. Cơ cấu thu NSNN đã được đảm bảo và chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu cân đối NSNN các năm 2016, 2017, 2018 đều vượt dự toán (năm 2016 vượt 9,2%, năm 2017 vượt 6,2%, năm 2018 vượt 7,8%). Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN 3 năm 2016 - 2018 ước bằng 54 - 55% kế hoạch 5 năm, tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân xấp xỉ 25% GDP (mục tiêu 23% GDP), từ thuế, phí đạt 21% GDP (mục tiêu 20 - 21% GDP); tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu tăng dần từ 64,1% năm 2010 lên mức gần 80,6% năm 2018.

Công tác quản lý chi NSNN chủ động, tích cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; hiệu quả sử dụng NSNN có nhiều tiến bộ. Tổng chi các năm 2016 - 2018 ước bằng 54 - 55% kế hoạch 5 năm. Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển (dự toán là 26%, thực hiện lên mức 27% - mục tiêu đề ra là 25 - 26%), giảm tỷ trọng chi thường xuyên (dự toán khoảng 64%, thực hiện xuống 63%  - mục tiêu là dưới 64%)...

4 tháng đầu năm 2019, thu NSNN đạt kết quả tích cực, 2 tháng liên tiếp thặng dư ngân sách do tiến độ chi thấp. Thu NSNN 4 tháng đạt 36,7% dự toán, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái.

Do cơ cấu lại một bước, bội chi NSNN giảm dần, năm 2016 là 5,52% GDP, năm 2017 là 3,48%, năm 2018 dưới 3,6% GDP, thấp hơn dự toán đầu năm (3,7% GDP).

Nợ công được kiểm soát chặt chẽ, bố trí trả nợ đầy đủ. Tốc độ tăng nợ công giảm gần một nửa, từ mức tăng trên 18% trong giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 10,1% bình quân giai đoạn 2016 - 2018; tỷ lệ nợ công giảm từ mức 63,6% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 61% GDP năm 2018. 

Cải thiện môi trường kinh doanh tạo nguồn thu vững chắc

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng tại kỳ họp Quốc hội trước, phát biểu về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nhiệm vụ còn lại trong 2 năm 2019 - 2020 còn rất nặng nề, trong đó có yêu cầu nhiệm vụ thu, cả về số tuyệt đối và tỷ lệ huy động so với GDP, trong điều kiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu cơ bản chưa và sẽ không được thực hiện trong 5 năm này. Trong khi đó, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN. 

Để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2019 và thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ kết hợp với chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN. Tiếp tục triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ khâu xác định các nhiệm vụ cần thực hiện năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2019 - 2021. 

Xây dựng và triển khai dự toán NSNN gắn với chiến lược và định hướng phát triển từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững của NSNN. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Đồng thời, kiên quyết thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại NSNN, nợ công, nhất là giữ mục tiêu bội chi, nợ công theo kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020, góp phần làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, tăng cường ổn định vĩ mô.

Dự kiến khung cân đối thu, chi NSNN 2019 - 2021

- Thu NSNN: phấn đấu giai đoạn 3 năm tới đạt 4,5 triệu tỷ đồng.

- Chi NSNN: Dự toán giai đoạn 3 năm tới khoảng 5,2 - 5,3 triệu tỷ đồng. 

- Về bội chi NSNN: Bội chi NSNN năm 2019 là 3,6% GDP, năm 2020 là 3,4% GDP, năm 2021 khoảng 3,4 - 3,5% GDP. 

- Các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn quy định và có bước cải thiện tích cực, cuối năm 2019 dự kiến nợ công 61,3% GDP, năm 2020 là 60,8% GDP và năm 2021 là 60,6% GDP.
image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang