Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2021

Ngày 10 tháng 12 năm 2020 UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2788/QĐ-UBND về việc giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2021.

    Theo đó, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị dự toán căn cứ dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 được giao thực hiện phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định về phân cấp, chủ động thực hiện có hiệu quả dự toán thu - chi ngân sách năm 2021, trong đó:

- Quản lý chặt chẽ, thực hiện các giải pháp thu ngân sách nhà nước, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Tích cực rà soát và khai thác triệt để các nguồn thu trên địa bàn; đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước nội địa và thu từ các nguồn thu mới ở mức cao nhất, để bù đắp số dự kiến giảm thu. Các khoản thu từ thuế, lệ phí và các khoản thu khác theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định tại khoản 1, điều 7, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước.

 - Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng an toàn, bền vững, tăng tỷ trọng cho đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ sự nghiệp công, tập trung cao cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ an ninh- quốc phòng; chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có đủ khả năng cân đối được nguồn kinh phí trong suốt quá trình thực hiện.

 - Bố trí dự toán chi đảm bảo đúng chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền ban hành. Đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của Trung ương và Nghị quyết  HĐND tỉnh đến 30/9/2020 và các nhiệm vụ mới phát sinh trong năm 2021. Thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính.

- Bố trí dự toán cho các nhiệm vụ chi: Giáo dục - Đào tạo, Khoa học - công nghệ và An ninh - Quốc phòng cao hơn dự toán cấp trên giao. Các nhiệm vụ chi khác trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, khả năng ngân sách và điều kiện cụ thể của địa phương, bố trí dự toán chi ngân sách cho phù hợp.

- Tập trung cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung có trọng điểm để hoàn thành các chương trình, dự án theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các công trình, dự án có tính kết nối và lan tỏa vùng. Tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn NSNN, khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, phân tán và tình trạng cân đối, bố trí vốn không phù hợp (dự án có khối lượng thì không có vốn, dự án được giao vốn nhưng không giải ngân hết). Đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân để tăng nguồn lực đầu tư toán xã hội; kết hợp nâng cao chất lượng quản lý đầu tư để giảm hệ số hiệu quả sử dụng vốn.

- Quản lý chi đầu tư XDCB, Chương trình mục tiêu và bổ sung có mục tiêu thực hiện đảm bảo nguyên tắc và phân cấp quản lý theo quy định của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; kinh phí triển khai rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, kinh phí quy hoạch chi tiết, định giá đất, chi phí tổ chức đấu giá đất, chi phí đầu tư hạ tầng của dự án quỹ đất để bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định về cơ chế quản lý điều hành của UBND tỉnh. Các huyện, thành phố chủ động bố trí khoảng 20% nguồn thu tiền sử dụng đất được điều tiết ngân sách cấp mình để tạo nguồn bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án.

- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập để bổ sung vào nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở của lĩnh vực hành chính và lĩnh vực có đơn vị sự nghiệp; tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của các lĩnh vực tương ứng, trường hợp còn dư thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do HĐND tỉnh ban hành.

- Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 của Chính phủ. Đẩy nhanh lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, đồng thời với việc giao quyền tự chủ về tổ chức, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.

- Bố trí dự phòng ngân sách đảm bảo tỷ lệ theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và tăng dự phòng từ nguồn tăng thu ngân sách để chủ động giải quyết các nhiệm vụ phát sinh.

    Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 được giao, các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán, sắp xếp các nhiệm vụ chi đảm bảo dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Chính Phủ, Bộ Tài chính, cụ thể như sau:

- Thực hiện tiết kiệm 10% số chi thường xuyên năm 2021 trong dự toán được giao của các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương,  khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ).

- Sử dụng tối thiểu 70% số tăng thu thực hiện năm 2020 so dự toán năm 2020; 50% số tăng thu so với dự toán năm 2021 cấp trên giao và trong tổ chức thực hiện dự toán năm 2021 để dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương (không kể khoản thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết).

- 50% nguồn dành ra do thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

- Một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan, đơn vị.

- Sử dụng một phần thu được để lại theo chế độ năm 2021 của các cơ quan, đơn vị theo lộ trình kết cấu chi phí vào giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, các Nghị định về tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực.

- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương hàng năm còn dư, được chuyển sang năm sau thực hiện.

    Trong năm 2021, trường hợp thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, sau khi cân đối nguồn cải cách tiền lương nêu trên, UBND tỉnh sẽ quyết định số bổ sung từ ngân sách tỉnh theo quy định. Sau khi đã đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương, nguồn kinh phí còn dư để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020, đến hết năm ngân sách 2021. Căn cứ kết quả thực hiện, các huyện, thành phố tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) tổng hợp để báo cáo Bộ Tài chính, bố trí dự toán ngân sách năm sau để các huyện, thành phố có nguồn triển khai thực hiện.

 

Tác giả: Lê Văn Tuân - Phòng Quản lý Ngân sách
image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang