Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quyết định về việc công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018

Quyết định về việc công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018

Ngày 24 tháng 7 năm 2020 Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1108/QĐ-BTC về việc công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018

Theo đó, Tại Quyết định số 1108/QĐ-BTC về việc công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 gồm:

Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018

Dự toán NSNN năm 2018 được Quốc hội quyết định với tổng số thu là 1.319.200 tỷ đồng; tổng số chi là 1.523.200 tỷ đồng; bội chi NSNN là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP, trong đó bội chi NSTW là 195.000 tỷ đồng, tương đương 3,53% GDP, bội chi NSĐP là 9.000 tỷ đồng, tương đương 0,17% GDP.

Năm 2018 tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp với những yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và còn những hạn chế, bất cập trong nội tại. Với quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018 đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đạt kết quả toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, chỉ tiêu mức tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,08% (kế hoạch giao tăng 6,5% - 6,7%) là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, nhờ đó tác động tích cực đến thu, chi NSNN.

Kết quả quyết toán thu, chi cân đối NSNN năm 2018 đạt được như sau:

1. Thu cân đối NSNN

Quyết toán thu NSNN đạt 1.431.662 tỷ đồng, tăng 112.462 tỷ đồng (+8,5%) so dự toán, chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Trong đó:

a) Thu nội địa: quyết toán đạt 1.155.293 tỷ đồng, tăng 55.993 tỷ đồng (+5,1%) so dự toán, chủ yếu nhờ tăng thu tiền sử dụng đất (61.915 tỷ đồng); cơ cấu thu nội địa tiếp tục tăng so với các năm trước (năm 2016 là 80,0% tổng thu NSNN, năm 2017 là 80,3%, năm 2018 là 80,7%). Năm 2018, một số ngành có đóng góp lớn cho NSNN như: sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm,... tăng trưởng thấp hơn dự kiến nên số thu ở 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán, trong đó thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm 7,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 14,6%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 3,8% so với dự toán.

Cơ quan thuế đã nâng cao năng lực, đổi mới phương pháp kiểm tra, tổ chức triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kê khai và nộp thuế điện tử, cải cách thủ tục hành chính, góp phần hạn chế tình trạng trốn lậu thuế; đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, chống chuyển giá, tăng cường quản lý thu, quản lý sử dụng hóa đơn, kiểm soát kê khai, quyết toán thuế, tăng cường kiểm tra các dạng sai phạm thường xảy ra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và đôn đốc xử lý nợ thuế, nhất là những doanh nghiệp lớn, xử phạt các doanh nghiệp chây ỳ chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; tỷ trọng nợ thuế giảm so với năm trước. Trong năm 2018, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 95.936 cuộc, tăng thu nộp NSNN 18.998 tỷ đồng.

b) Thu từ dầu thô: quyết toán đạt 66.048 tỷ đồng, tăng 30.148 tỷ đồng (+84%) so với dự toán; chủ yếu do giá dầu thanh toán bình quân đạt 74,6 USD/thùng, tăng 24,6 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán (50 USD/thùng) và sản lượng thanh toán đạt cao hơn dự toán là 0,7 triệu tấn.

c) Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: quyết toán đạt 202.540 tỷ đồng, vượt 23.540 tỷ đồng (+13,2%) so với dự toán. Trong năm 2018 thực hiện giảm thuế suất theo cam kết với các thị trường Hàn Quốc, ASEAN làm giảm thu mạnh, nhờ đổi mới cơ cấu sản xuất hàng xuất khẩu hợp lý, nên giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 11,5% so với năm 2017 và tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra thuế, tăng thu nợ đọng thuế, nợ thuế đã giảm so với năm trước, góp phần tăng thu NSNN. Trong năm đã hoàn thuế giá trị gia tăng cho các đơn vị kịp thời, đầy đủ theo đúng chế độ quy định là 111.783 tỷ đồng.

d) Thu viện trợ không hoàn lại: quyết toán đạt 7.780 tỷ đồng, tăng 2.780 tỷ đồng (+55,6%) so với dự toán

2. Chi cân đối NSNN

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trong tổ chức điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018; trong đó, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương: đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi hội nghị, khảo sát nước ngoài, mua sắm trang thiết bị đắt tiền không cần thiết.

Quyết toán chi NSNN là 1.435.435 tỷ đồng, giảm 87.765 tỷ đồng, bằng 94,2% so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN.

Quyết toán chi NSNN theo các nhiệm vụ chi chủ yếu như sau:

a) Chi đầu tư phát triển: quyết toán 393.304 tỷ đồng, bằng 97,9% so dự toán, chiếm 27,4% tổng chi NSNN.

b) Chi trả nợ lãi: quyết toán 106.584 tỷ đồng, bằng 94,7% so với dự toán.

c) Chi thường xuyên (bao gồm cả nguồn cải cách tiền lương): quyết toán 931.859 tỷ đồng, bằng 95,6% so với dự toán, chiếm 64,9% tổng chi NSNN.

Trong năm, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã điều hành ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao. Chính phủ đã bảo đảm kinh phí phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai; tăng kinh phí bảo đảm nhiệm vụ quan trọng và thực hiện chế độ, chính sách an sinh xã hội theo quy định.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng như chi sự nghiệp khoa học công nghệ, chi giáo dục đào tạo, chi sự nghiệp y tế, chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tiếp tục được chú trọng bố trí ngân sách để thực hiện; đồng thời tích cực đổi mới, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình tính chi phí đầy đủ.

Tóm lại, nhiệm vụ chi NSNN năm 2018 đã đảm bảo kinh phí đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, xói lở bờ sông, bờ biển, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, an toàn xã hội. Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN từng bước có hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Số chi chuyển nguồn năm 2018 sang năm sau là 434.357 tỷ đồng, tăng so với năm trước là 107.977 tỷ đồng, chủ yếu do chuyển nguồn cho các nhiệm vụ chi thực hiện chính sách, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu năm 2018 giao chậm so với dự kiến và chi từ nguồn tăng thu NSTW và NSĐP năm 2018 theo quy định của Luật NSNN.

3. Bội chi NSNN

Quyết toán số bội chi NSNN là 153.110 tỷ đồng, bằng 2,8% GDP thực hiện1, giảm 50.890 tỷ đồng (0,9% GDP) so với dự toán Quốc hội quyết định; trong đó, NSĐP quyết toán không bội chi; NSTW quyết toán bội chi 153.110 tỷ đồng, bằng 2,8% GDP.

4. Tổng mức vay của NSNN

Tổng mức vay của NSNN Quốc hội quyết định là 363.284 tỷ đồng; quyết toán 284.806 tỷ đồng, giảm 78.478 tỷ đồng, bằng 78,4% so với dự toán, chủ yếu do giảm bội chi NSNN 50.890 tỷ đồng.

Tác giả: Phòng QLNS
image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang