Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

 

THUYẾT MINH

DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

          Để thuận tiện cho người dân tham gia vào chu trình ngân sách nhà nước thông qua Trang thông tin điện tử của Sở Tài chính tại chuyên mục "CÔNG KHAI NGÂN SÁCH" nhằm cung cấp các thông tin về Dự toán Ngân sách nhà nước của Tỉnh Sơn La năm 2020 theo quy định và thực hiện tốt thông lệ Quốc tế về Công khai, minh bạch Ngân sách nhà nước. Ban Biên tập Trang TTĐT Sở Tài chính đăng tải thông tin về Thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 như sau:

         Năm 2020, là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, năm tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cùng với việc quán triệt các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Chính phủ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, xác định mục tiêu NSNN năm 2020 là: Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất các mục tiêu tài chính – ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, gắn với, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước gắn với huy động tối đa nguồn lực ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

          Dự toán tăng chi ngân sách được bố trí trên cơ sở cân đối nguồn tăng thu ngân sách triệt để tiết kiệm các khoản chi lễ hội, khánh tiết… đảm bảo kinh phí thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, an ninh - quốc phòng và thực hiện có hiệu quả các chính sách của HĐND tỉnh.

          Huy động cao và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản  trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm đã được Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV quyết nghị; nhất là các đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và sức cạnh tranh của các ngành, sản phẩm, thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tốc độ tăng trưởng phù hợp.

         Triển khai nhanh lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, đồng thời với việc giao quyền tự chủ về tổ chức, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

          DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2020

  1. Thu ngân sách địa phương: 15.311.148 triệu đồng (không bao gồm thu xuất nhập khẩu), bằng 111,2% so dự toán năm 2019 và bằng 104,9% so Bộ Tài chính giao; trong đó:

  - Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 5.000.000 triệu đồng, bằng 107,5% so dự toán năm 2019 và tăng 15,5% so với dự toán Bộ Tài chính giao.

  + Thu điều tiết ngân sách Trung ương        :  348.940 triệu đồng.

  + Thu ngân sách địa phương được hưởng   : 4.651.060 triệu đồng.

  - Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương: 10.267.528 triệu đồng, bằng 113,1% so với dự toán 2019 và bằng 100% so Bộ Tài chính giao.

  2. Chi ngân sách địa phương: 15.046.408 triệu đồng, bằng 109,6% so dự toán năm 2019 và bằng 105% so Bộ Tài chính giao.

          2.1. Chi đầu tư xây dựng cơ bản: 974.820 triệu đồng.

     - Bố trí chi trả nợ gốc vốn vay Ngân hàng phát triển 34.000 triệu đồng đảm bảo trả nợ đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn và quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

     - Điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư: Tập trung bố trí vốn đầu tư cho vùng khó khăn, các lĩnh vực trọng tâm: Giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường và hạ tầng giao thông; Tăng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Dự án đối ứng điện nông thôn, miền núi; đường giao thông đến ôtô đến trung tâm đi được 4 mùa; tập trung phát triển đường giao thông đến bản...

     - Bố trí kế hoạch vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2020, theo đúng quy định Luật đầu tư công; Tập trung bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng đến ngày 31/12/2019; Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp và dự kiến hoàn thành trong năm 2020; Đảm bảo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 theo quy định của Chính Phủ; Rà soát các dự án khởi công mới, thực sự cấp bách (Dự án về chương trình nông thôn mới, các dự án giảm nghèo, hạ tầng giao thông, môi trường...).

- Đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (ngoài hàng rào) của các dự án, thực hiện chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Các dự án đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia thực hiện theo quy định của Chính Phủ; Các dự án đầu tư từ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đảm bảo giao đúng cơ cấu, mục tiêu cụ thể của từng nguồn vốn; Phương án phân bổ vốn của các ngành, các huyện, thành phố Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thẩm định theo quy định; Các công trình khởi công mới phải được Chính phủ cho phép.

     2.2. Chi trả nợ lãi: 3.900 triệu đồng cho các dự án vốn vay nước ngoài (Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Chương trình mở rộng quy mô và vệ sinh nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vốn vay; Sửa chữa và nâng cao an toàn đập...).

     2.3. Chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất: 900.000 triệu đồng.

     - Thu tiền sử dụng đất điều tiết ngân sách cấp tỉnh, sau khi thực hiện trích bổ sung quỹ phát triển đất 183 tỷ đồng, kinh phí thực hiện dự án điện nông thôn miền núi 50 tỷ đồng, mới thực hiện phân bổ cho các dự án đầu tư theo quy định.

  - Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; Thu hút đầu tư; Thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh; Kinh phí làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 77/2018/NQ-HĐND 04/4/2018 của HĐND tỉnh; Công tác rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Lồng ghép với nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và các nguồn vốn khác để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Chính sách phát triển giao thông nông thôn; Kinh phí hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Kinh phí triển khai ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; Kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến tránh Quốc lộ 6:...

          2.4. Bội chi ngân sách địa phương: 84.200 triệu đồng, trong đó đã vay Ngân hàng phát triển chi nhánh tỉnh Sơn La năm 2019: 34.000 triệu đồng; vay lại vồn nước ngoài 19.612,9 triệu đồng;  chỉ tiêu còn lại vay vốn nước ngoài so với chỉ tiêu của Quốc hội giao chỉ thực hiện phân bổ và giao kế hoạch vốn cho các dự án, công trình khi đã hoàn thành công tác vay vốn trong năm 2020 theo quy định.

          2.5. Chi đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết dự kiến 55.000 triệu đồng. Trong đó: Bố trí 81,8% cho các dự án thuộc sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế; 18,2% thực hiện chương trình làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 77/2018/NQ-HĐND 04/4/2018 của HĐND tỉnh gắn với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo Thông tư số 38/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.

          2.6. Chi sự nghiệp kinh tế, môi trường: 939.368 triệu đồng.

      - Bố trí đủ kinh phí thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản, hỗ trợ hợp tác xã; kinh phí thực hiện nhiệm vụ đo đạc địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kinh phí thực hiện chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa, kinh phí thực hiện nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch; chính sách bảo vệ diện tích rừng tự nhiên; hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; hỗ trợ kinh phí nâng cấp đô thị; kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo trì đường bộ, hồ đập; thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn;

     - Lồng ghép các nguồn vốn: Ngân sách và các nguồn vốn khác, để thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là giao thông nông thôn (nội bản, liên bản) theo Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

    - Bố trí kinh phí thực hiện cải thiện điều kiện vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu gom xử lý chất thải, nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; các nhiệm vụ chi về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, vốn đối ứng thực hiện các dự án, dự án điện nông thôn.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư để tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí kinh phí cải thiện điều kiện vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu gom xử lý rác thải, nước thải; kinh phí đối ứng thực hiện các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thuộc đối tượng công ích; chi thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường

     2.7. Chi thường xuyên: Dự kiến 10.055.776 triệu đồng; đảm bảo định mức chi thường xuyên theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016; Nghị quyết 93/2019/NQ- HĐND ngỳ 28/2/2019 của HĐND tỉnh và các chế độ, khoản chi tăng thêm theo Nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh và các nhiệm vụ mới năm 2020. Một số nội dung chi ngân sách chủ yếu:

     - Chi sự nghiệp Giáo dục - đào tạo: 4.744.204 triệu đồng.

     - Chi sự nghiệp Y tế - phòng chống dịch: 1.221.270 triệu đồng.

     - Chi sự nghiệp Khoa học công nghệ:            24.752 triệu đồng.

          - Chi Quản lý hành chính:   1.028.809 triệu đồng.

          - Chi ngân sách cấp xã:  874.268 triệu đồng.

          - Chi an ninh- quốc phòng: 312.072 triệu đồng.

  2.8. Dự phòng ngân sách: 244.061 triệu đồng, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ, Bộ Tài chính giao và chiếm 2% tổng chi ngân sách địa phương.

  2.9. Chi bổ sung có mục tiêu: Dự kiến 2.678.651 triệu đồng theo đúng dự toán Chính phủ, Bộ Tài chính giao.

  - Tăng cường phân cấp cho các huyện, thành phố quản lý các chương trình mục tiêu theo Nghị quyết số 130/NQ-HĐND ngày 10/9/2015 của HĐND tỉnh Sơn La về kế hoạch chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020.

  - Bố trí đúng theo danh mục Chính phủ đã thông báo cho từng chương trình, dự án. Nguồn vốn bổ sung có mục tiêu, chương trình mục tiêu tập trung cao cho các nhiệm vụ cấp bách, các dự án trọng điểm và các vùng khó khăn, biên giới, vùng căn cứ kháng chiến; sự nghiệp Giáo dục - đào tạo; sự nghiệp y tế; sự nghiệp văn hoá.

  - Điều chỉnh phân cấp quản lý một số nguồn vốn đầu tư, chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình mục tiêu, bổ sung có mục tiêu cho huyện, thành phố gắn với yêu cầu quản lý dự án và nguồn vốn thực hiện theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 02/6/2016 Thủ tướng Chính phủ. UBND huyện, thành phố báo cáo HĐND huyện, thành phố trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án nguồn vốn chương trình mục tiêu, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh; Đảm bảo rõ mục tiêu, cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án được phân cấp theo quy định của Chính phủ, của tỉnh./.

Tác giả: Ban Biên tập TTĐT
image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang