Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Công khai, minh bạch để người dân tham gia giám sát ngân sách

Công khai, minh bạch để người dân tham gia giám sát ngân sách

Điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các năm trước.

(Chỉ số công khai ngân sách ngày càng minh bạch).

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN - Bộ Tài chính), thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, thu hút người dân quan tâm đối với hoạt động NSNN; từ đó, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng NSNN của các ngành, các cấp.

Cần tuyên truyền tốt hơn đến người dân

Theo kết quả Khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở 2019 vừa được công bố, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh. Kết quả Việt Nam xếp hạng 77/117 nước, tăng 14 bậc, trong đó: đạt 38/100 điểm đối với trụ cột “Công khai ngân sách”, tăng 23 điểm; 11/100 điểm đối với trụ cột “Sự tham gia của công chúng”, tăng 4 điểm; 74/100 điểm đối với trụ cột “Giám sát”, tăng 2 điểm so với năm 2017.

Đạt được bước tiến đáng ghi nhận nêu trên là nhờ Quốc hội đã thông qua Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017) với những quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Ví dụ như việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán NSNN khi Chính phủ trình Quốc hội... Kế đến là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành và chủ tịch UBND các cấp chính quyền địa phương đối với công tác công khai ngân sách của các ngành mình, địa phương mình. 

Đến nay, Bộ Tài chính đã công bố 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, trong đó 7/8 tài liệu được Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) công nhận và tính điểm. Riêng báo cáo ngân sách 6 tháng tạm thời chưa được tính điểm do chưa đưa ra các thông tin định lượng về dự báo NSNN cả năm. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để hoàn thiện, bổ sung thêm các thông tin trong báo cáo đánh giá 6 tháng nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra.

Theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, kết quả nêu trên đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, chế độ, chính sách nhằm tăng cường công khai minh bạch ngân sách. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế đó là điểm số đối với trụ cột “Sự tham gia của công chúng” còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do các tiêu chí đánh giá được xây dựng dựa trên thông lệ tốt của các nước OECD, nên chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Song về chủ quan, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng cũng cần rút kinh nghiệm trong việc thông tin, tuyên truyền cho người dân đảm bảo đầy đủ, kịp thời hơn và có giải pháp khuyến khích người dân tham gia chủ động, tích cực hơn vào việc hoạch định chính sách tài chính - NSNN.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, tham gia xây dựng dự toán ngân sách và giám sát quá trình quản lý, sử dụng NSNN, báo cáo ngân sách công dân được xây dựng với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Đồng thời, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính cũng đã mở chuyên mục “Công khai ngân sách” để công khai đầy đủ, kịp thời các tài liệu, số liệu về NSNN; chuyên mục “Hỏi và đáp” để tiếp nhận và giải đáp kịp thời các ý kiến thắc mắc, góp ý của người dân.

Sẽ công khai chi tiết kế hoạch tài chính - ngân sách

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã lan rộng trong phạm vi toàn cầu, tác động nghiêm trọng tới kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Các tổ chức quốc tế uy tín đã đồng loạt hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vừa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh vừa đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế mặc dù có bị suy giảm (GDP quý I chỉ tăng 3,81% so với kế hoạch cả năm đề ra là 6,8%), nhưng vẫn là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới. Chính phủ đã chủ động cập nhật, thông tin, gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn và có đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế và cân đối ngân sách. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

Trong hoàn cảnh như vậy, chỉ số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ sở để thu hút thêm các dòng vốn trong và ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Để thực hiện tốt công tác công khai NSNN, theo ông Nguyễn Minh Tân, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị trong ngành Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về công khai tài chính - NSNN, hướng tới chuẩn mực quốc tế, như công khai các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, công khai chi tiết kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm, công khai các dự báo về tình hình thực hiện NSNN cả năm từ giữa năm ngân sách…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai ngân sách để tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin NSNN; tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai ngân sách của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách và tổ chức được NSNN hỗ trợ, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật NSNN. 

Ông Nguyễn Minh Tân cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các cơ quan thông tấn báo chí, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và thu hút sự quan tâm của người dân đối với hoạt động NSNN, giúp người dân thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát trong quá trình quản lý, sử dụng NSNN của các ngành, các cấp. Bộ Tài chính đã công bố 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai theo thông lệ tốt của quốc tế, bao gồm: Định hướng xây dựng ngân sách; dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc hội; dự toán ngân sách được Quốc hội quyết định; báo cáo ngân sách công dân; báo cáo ngân sách quý; báo cáo ngân sách 6 tháng; báo cáo ngân sách cuối năm; báo cáo kiểm toán.


image banner
 Chung nhan Tin Nhiem Mang